PHẢI VÀO BẰNG ĐƯỢC "LÒ LUYỆN" CỦA GIÁO VIÊN TRƯỜNG AMS
Có thể nói không quá lời, gần như 100% học sinh (HS) trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (gọi tắt: Trường Ams) đều phải trải qua các lò luyện thi, bởi tiêu chí xét tuyển vào trường không chỉ thông qua bài thi mà còn cần có một học bạ thật trọn vẹn.
Dù Trường Ams mở các lò luyện thi, nhưng rất nhiều giáo viên (GV) của trường trở thành "địa chỉ đỏ" của các ông bố bà mẹ gửi con đến học thêm nếu muốn con muốn thi đỗ vào Ams. Có những thầy cô mở các "lò luyện" tại gia, thậm chí thuê cơ sở và trở thành người đứng ra tổ chức luyện thi trọn gói đủ 3 môn thi vào Ams.
Lớp học lên tới 30 - 40 HS, nhưng mỗi buổi học (khoảng 1 tiếng rưỡi) thấp nhất cũng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/HS, mức giá tăng từng năm và tùy theo "danh tiếng" của GV. Mỗi môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh học ít nhất 2 buổi/tuần; giai đoạn "nước rút" thì còn tăng nhiều hơn.
Thực tế, với những GV có tiếng thì dù học thêm, trả chi phí cao nhưng phụ huynh phải canh thông tin từ rất sớm, nếu chậm chân sẽ không còn suất học. Tuy nhiên, đăng ký rồi mà không vượt qua bài kiểm tra đầu vào của GV thì cũng bị loại.
Chị H.L (ở khu đô thị Đại Kim, Q.Hoàng Mai) cho biết: Để con được vào lớp luyện thi môn tiếng Việt của một cô giáo chuyên dạy văn Ams khối THCS, chị phải cậy nhờ mối quan hệ thân thiết với cô này mới xin được một chỗ học. Vào học rồi thì thấy cũng không có gì đặc biệt. Lớp học của cô tổ chức ngay tại tầng 1 ở nhà riêng, vừa dạy cô vừa tranh thủ làm việc nhà, có khi bận thì nhờ chồng con trông lớp, cô chỉ giao đề cho HS luyện rồi chữa bài. Mỗi khi phụ huynh muốn hỏi đến tình hình học tập của con thì phải "lựa lời" hỏi khéo.
"Có lần đến đón con, tôi chứng kiến cô giáo mắng xa xả hai mẹ con một HS khác vì làm thiếu bài tập và dọa nếu còn lần nữa sẽ không cho học tiếp. Cô nói bao nhiêu người đang chờ không có chỗ học, nên không muốn học thì nhường chỗ cho người khác. Tôi nghe mà thấy thương các con, thương cả phụ huynh, chẳng biết đỗ đạt đến đâu mà cực nhọc quá", chị H.L chia sẻ.
Có vô vàn câu chuyện về hành trình tìm GV và đồng hành với con để luyện thi vào Ams cấp THCS với không ít mồ hôi, nước mắt và tiền của.
CÓ KHÓA LUYỆN 20 TRIỆU ĐỒNG/3 THÁNG
Tại TP.HCM, nếu có kế hoạch cho con dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, hầu hết phụ huynh đã cho con tham gia các lớp luyện thi từ rất sớm; trễ nhất cũng từ đầu năm lớp 5, thường thì cho con đi ôn từ lớp 3, 4.
Từ học kỳ 2 lớp 4 đến nay, tuần 3 buổi, chị Nguyễn Mai Trang, có con học lớp 5 tại Q.11, chở con đến lớp ôn luyện vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa ở một trung tâm dạy thêm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1). Chị Trang cho biết: "16 giờ 30 tan học ở trường tiểu học, tranh thủ cho con ăn hộp xôi hoặc miếng bánh trên đường để đi lên Q.1 học cho kịp 17 giờ 30. Buổi học thêm kết thúc vào khoảng 20 giờ, về đến nhà tầm 20 giờ 30, con ăn thêm chút cơm hoặc uống sữa. Nhiều khi thấy con cũng vất vả nhưng hai mẹ con hay tâm sự trên đường đi học là ráng để được vào ngôi trường mình thích".
Thực tế cho thấy, với mong muốn cho con em mình được vào học lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa, phụ huynh đang không chỉ đầu tư về công sức đưa đón, chăm sóc mà còn chi phí cho việc ôn luyện.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trung bình mỗi tháng luyện thi vào lớp 6, nếu học 3 buổi/tuần thì học phí khoảng 3 triệu đồng. Còn với những trung tâm tổ chức học các ngày trong tuần thì mức phí sẽ khoảng 5 triệu đồng. Thậm chí có những trung tâm tổ chức học đóng tiền theo khóa với mức 20 triệu đồng/3 tháng.
Với tỷ lệ chọi hằng năm thường dao động quanh mức 1/8 và được phụ huynh đánh giá thi lớp 6 "khó hơn thi ĐH" nên các diễn đàn phụ huynh khá sôi động khi các thành viên hỏi thăm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho con luyện thi. Bên cạnh đó là các lời giới thiệu, quảng bá của các trung tâm tổ chức luyện thi.
Nắm bắt nhu cầu và mong muốn của phụ huynh nên một số trung tâm đã dựa theo đề và đáp án của bài khảo sát mà Sở GD-ĐT công bố sau kỳ khảo sát hằng năm để xây dựng câu hỏi tương tự nhằm ôn luyện cho HS. Một GV dạy tại trung tâm luyện thi trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) cho biết, ngoài kiến thức về toán, năng lực về tiếng Anh thì GV còn phải chuẩn bị cho HS sự hiểu biết khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống theo nội dung khảo sát của Sở GD-ĐT.
"CUỘC ĐUA" MỆT MỎI VÀ ÁP LỰC
Trước thông tin việc tuyển sinh lớp 6 vào trường THPT chuyên có thể phải dừng lại từ năm nay vì theo quy chế, các trường THPT chuyên không được phép có hệ THCS và hệ không chuyên, nhiều phụ huynh rất lo lắng. Bên cạnh đó cũng có những tranh luận trái chiều.
Không ít ý kiến muốn giữ lại, nhưng cũng rất nhiều ý kiến muốn bỏ để dừng lại "cuộc đua" quá mệt mỏi, áp lực, trước hết là với chính những đứa trẻ và cả gia đình chúng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng: "Tiếc nuối giá trị là một hiện tượng phổ biến, dẫn đến tâm lý phản ứng của chúng ta. Các bậc phụ huynh cũng rất nóng lòng được biết các quy định tuyển sinh mới. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các nhà trường đều chưa được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh. Vì vậy, rất cần các địa phương quan tâm, thực hiện đúng quy định".
Theo bà Thơ, chúng ta cần tôn trọng và góp phần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình trường. Từ lâu, VN đã có chủ trương xã hội hóa giáo dục, đa dạng loại hình trường lớp để tạo điều kiện cho đáp ứng nhu cầu rất khác nhau về mục đích giáo dục của người dân. Với loại hình trường chuyên, được xác định là trường THPT, dành cho HS đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, được mỗi tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng hoặc trực thuộc một cơ sở giáo dục đại học.
"Chúng ta cũng có nhiều loại hình trường khác để đáp ứng những yêu cầu giáo dục, đảm bảo chất lượng. Vì thế, nên để các trường chuyên tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng HS năng khiếu. Việc không có các lớp không chuyên sẽ giúp các trường này tập trung vào chuyên môn, và sẽ có các trường khác thực hiện chức năng giáo dục với các mô hình dịch vụ khác", bà Thơ nói.
PGS Thơ cũng cho rằng việc dừng khối THCS trong trường chuyên không ảnh hưởng gì đến việc thiếu địa chỉ giáo dục chất lượng cao ở địa phương đó. Ví dụ, hiện riêng ở Hà Nội, có rất nhiều trường chất lượng cao, chưa kể nhiều trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng. Những trường học đó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người dân.
"Không chỉ Hà Nội, tất cả các địa phương đều phải tuân thủ quy định không có trường THCS chuyên, không có hệ không chuyên trong trường chuyên. Hiện nay, việc "không tuyển sinh lớp không chuyên" cũng đang là một vấn đề cần tất cả các trường chuyên thực hiện", PGS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Ép luyện thi, ép thi: Rất nguy hiểm
Nhìn nhận dưới góc độ khoa học tâm lý lứa tuổi, TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục VN, cho rằng: "Giáo dục cần trước hết vì sự phát triển của HS. Việc ép luyện thi, ép thi làm cho HS mất đi tuổi thơ. Điều này rất nguy hiểm. Do đó, về mặt khoa học, tâm lý, giáo dục cần phải làm rõ có nên học chuyên từ sớm. Không vì mong muốn của người lớn mà làm không đúng theo quy luật phát triển của con người. Vì ở từng lứa tuổi, trẻ có nhu cầu phát triển khác nhau".