Chiều nay 5.3, tại Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cùng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) ký thỏa thuận hợp tác về chương trình đào tạo kỹ thuật hàng không giai đoạn 2024 - 2026.
Tại phần trao đổi trước lễ ký kết, đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi lẽ đã chia sẻ một số thông tin về nhu cầu nhân lực kỹ thuật hàng không trong giai đoạn tới.
Theo ông Phạm Minh Hiệp, Phó tổng giám đốc VAECO, với tình hình khai thác dịch vụ hàng không hiện nay, trong vòng 2 năm nữa doanh nghiệp này cần tuyển thêm ít nhất 300 nhân viên kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác (theo kế hoạch của Chính phủ, sân bay Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2026) thì nhu cầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật hàng không sẽ còn tăng mạnh.
Vì thế, VAECO sẽ tích cực hợp tác sâu rộng hơn với các trường đại học trong và ngoài nước để có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành kỹ thuật hàng không, cũng là chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự báo nhu cầu tăng trưởng này.
Mô hình hợp tác giúp "tiết kiệm" 3 năm học
Ông Hiệp cũng đánh giá cao mô hình hợp tác giữa VAECO, Vietnam Airlines với USTH. Theo ông, việc đào tạo kỹ sư, nhân viên kỹ thuật cao phục vụ ngành hàng không là rất gian nan. Thông thường, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật hàng không sẽ phải học 5 năm trong trường đại học. Sau đó, VAECO đào tạo 2 năm nữa thì học viên mới có chứng chỉ cơ bản bảo dưỡng máy bay các mức độ B1, B2 (VAECO là tổ chức duy nhất được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn đào tạo và cấp chứng chỉ B1, B2 tại Việt Nam).
USTH là cơ sở đào tạo đại học duy nhất tại Việt Nam có thỏa thuận hợp tác với VAECO về đào tạo B1, B2. Theo đó, sau 4 năm là sinh viên USTH vừa có bằng đại học, vừa có chứng chỉ B1, B2.
"Như vậy, so với các sinh viên các chương trình đào tạo tương ứng của các trường đại học khác, thời gian đào tạo của sinh viên USTH tiết kiệm được 3 năm. Mô hình này đang rất hữu dụng cho công ty, các sinh viên, đồng thời tiết kiệm chi phí cho xã hội", ông Hiệp nói.
Còn ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay có tính đặc thù. Nhân viên kỹ thuật hàng không phải làm việc trong môi trường kỷ luật cao, đòi hỏi vô cùng khắt khe về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Do đó, đây là lĩnh vực đòi hỏi cao về chất lượng nguồn nhân lực. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp hàng không với trường đại học về đào tạo không chỉ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng không mà còn giúp sinh viên tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, giúp các em được cọ xát với môi trường thực tế, sớm tiếp cận công nghệ mới.
Chương trình kỹ thuật hàng không tại USTH ra đời năm 2018 dựa trên sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn Airbus; sự hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines, VAECO, Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS/Bricks) và Liên minh hơn 30 trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của Pháp vì sự phát triển của USTH (USTH Consortium).
USTH và Vietnam Airlines, VAECO đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tiên về mở các ngành đào tạo hàng không tại USTH, bao gồm kỹ thuật hàng không trình độ cử nhân và ngành quản trị vận tải hàng không quốc tế trình độ thạc sĩ.
Tới thời điểm hiện tại, USTH đã có 6 khóa sinh viên trình độ cử nhân kỹ thuật hàng không và 3 khóa sinh viên trình độ thạc sĩ quản trị vận tải hàng không quốc tế.