Hai đại diện mới vào bảng xếp hạng ĐH phát triển bền vững
Tổ chức QS tại Anh hôm 10.12 công bố bảng xếp hạng ĐH phát triển bền vững nhất thế giới năm 2025. Việt Nam có 10 trường được xếp hạng, trong đó có hai đại diện mới góp mặt là ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng, cùng ở nhóm 1.501+. Với các gương mặt cũ, ba trường thăng tiến thứ hạng là ĐH Quốc gia Hà Nội (từ 781-790 lên vị trí 325), Kinh tế TP.HCM (từ 841-860 lên 653) và Bách khoa Hà Nội (từ 901-920 lên 702).
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM, Duy Tân và các trường ĐH Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Nguyễn Tất Thành đều tụt hạng. Nhìn chung, Việt Nam năm nay có 6 đại diện lọt vào tốp 1.000 ĐH phát triển bền vững nhất thế giới, hầu hết là trường công lập và 5/6 trong số đó là các ĐH, duy nhất Tôn Đức Thắng là trường ĐH. Đáng chú ý, 2/10 trường là ĐH vùng (Huế, Đà Nẵng), phản ánh bức tranh giáo dục ĐH đa dạng hơn.
Trong số 10 trường Việt Nam được xếp hạng, chỉ 5 đơn vị được chấm điểm dựa trên các tiêu chí của QS, dao động từ 47,1 (ĐH Quốc gia TP.HCM) đến 70,5 (ĐH Quốc gia Hà Nội) trên thang điểm 100.
Cụ thể, ở nhóm tiêu chí tác động môi trường, các ĐH Việt Nam đạt điểm tốt nhất ở tiêu chí nghiên cứu về môi trường (dao động từ 55,4-87,4), còn các tiêu chí giáo dục về môi trường và phát triển môi trường bền vững không trường nào vượt quá 70 điểm (lần lượt dao động từ 18,5-66,4 và 13,6-65,4). Còn ở nhóm tiêu chí quản trị, các trường ĐH được đánh giá từ 28,7-88,1 điểm.
Ở nhóm tiêu chí cuối cùng là tác động xã hội, các trường đạt thành tích đồng đều ở tiêu chí chia sẻ kiến thức, dao động từ 71,5-88,1 điểm. Các tiêu chí khác là bình đẳng, tuyển dụng và cơ hội, sức khỏe và thân tâm an lạc lần lượt được QS đánh giá từ 44,2-81, 40,1-74,4, 47,6-80,5. Còn ở tiêu chí tác động đến giáo dục, các trường có mức điểm khá thấp, dao động từ 17,6-57,3 điểm.
Cũng theo QS, ĐH Đà Nẵng, Huế, Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 1% sinh viên quốc tế. Với các trường khác, 100% sinh viên đều là người bản địa. Tất cả hiện chưa có thông tin về học phí với sinh viên quốc tế, cũng như không có học bổng dành cho người nước ngoài, QS cho hay.
Phương pháp xếp hạng ra sao?
Theo QS, bảng xếp hạng ĐH phát triển bền vững nhất thế giới đánh giá các trường dựa theo 3 nhóm tiêu chí lớn với 9 tiêu chí phụ. Ở mỗi tiêu chí phụ, QS còn chia thành nhiều khía cạnh đánh giá, tổng cộng có 53 khía cạnh. Trọng số các khía cạnh này phần lớn là 1%, song có hai khía cạnh đạt 9% (ảnh hưởng của nghiên cứu đến những mục tiêu phát triển bền vững) và 10% (uy tín học thuật trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường).
"Bảng xếp hạng ĐH phát triển bền vững nhất thế giới tìm kiếm những bằng chứng thực tế, từ đóng góp của cựu sinh viên trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu, cho đến ảnh hưởng của các nghiên cứu khoa học của trường đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG). Bảng xếp hạng cũng mang đến cho sinh viên cái nhìn độc đáo về những trường thực sự cam kết với một tương lai bền vững hơn", QS viết trong một thông cáo.
Năm 2025, QS xếp hạng 1.743 cơ sở giáo dục ĐH đến từ 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đứng đầu bảng xếp hạng ĐH phát triển bền vững nhất thế giới năm nay là ĐH Toronto (Canada), và đây là đơn vị duy nhất đạt số điểm tuyệt đối 100. Theo sau đó là ETH Zurich (Thụy Sĩ) ở hạng 2, ĐH Lund (Thụy Điển) và ĐH California tại Berkeley (Mỹ) đồng hạng 3 còn UCL (Anh) xếp thứ 5.
QS là một trong các tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới bên cạnh bảng xếp hạng của THE (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). QS xếp hạng ĐH từ năm 2004 cùng THE, một năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.