Ngày 24.9, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một cán bộ quản lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết từ trước đến nay, bao nhiêu năm qua, trường học này đều cấm học sinh dùng điện thoại di động trong khuôn viên trường học. Có điều, quy định trước đây còn khắt khe hơn bây giờ - cấm triệt để việc học sinh mang điện thoại di động vào trường.
"Từ năm 2018-2019 trở về đây, trường không cấm học sinh mang điện thoại di động vào trường, các em có quyền mang, nhưng cấm dùng khi chưa được phép", cán bộ quản lý này cho hay.
"Chúng tôi đã họp, bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất trong hội đồng sư phạm và đi đến quyết định này (quyết định cho học sinh mang điện thoại vào trường - PV). Thời điểm đó, tôi hỏi một cô phụ trách quản lý học sinh là trường có khoảng bao nhiêu em có điện thoại, cô nói khoảng 70-80%, gần như phổ cập điện thoại di động. Nên chúng tôi không cấm các em mang vào trường, chỉ cấm dùng thôi. Bởi điện thoại di động là tài sản của các em. Rồi khi bước ra khỏi cổng trường, các em có thể bỏ ra và dùng bình thường", cán bộ quản lý này nói thêm.
Đại diện ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng nhấn mạnh: "Học sinh chỉ được dùng điện thoại di động trong lớp khi giáo viên cho phép. Tiết học nào giáo viên cho phép học sinh dùng điện thoại di động phục vụ việc học thì giáo viên phải viết rõ lên bảng là "tiết học có sử dụng điện thoại di động" để giám thị, thành viên ban giám hiệu dễ quản lý khi đi xung quanh kiểm tra. Nếu không có dòng chữ kia trên bảng, mà thấy học trò nào lén dùng điện thoại di động, học sinh đó sẽ bị bắt lỗi, tính lỗi ngay".
Đâu là cách xử lý học sinh sử dụng điện thoại trong trường khi chưa được phép? Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết đầu tiên sẽ ghi nhận lỗi của học sinh, thông báo về phụ huynh là em này vi phạm nội quy dùng điện thoại di động ở trường. Sau đó, khi cuối kỳ, lỗi này được căn cứ đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh. Nếu học sinh có vi phạm 1 lần, nhưng sau đó tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động trường lớp, chăm chỉ học tập, rèn luyện... và được giáo viên chủ nhiệm ghi nhận thì hội đồng thi đua của trường sẽ bỏ qua lỗi đó.
Tuy nhiên, nếu học sinh vẫn cố tình lặp lại vi phạm, khi đã báo về phụ huynh rồi mà vẫn vi phạm lần 2, lần 3 thì em đó sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, ví dụ đang từ tốt xuống khá. Đồng thời, trường thông báo cho phụ huynh là kết quả rèn luyện như trên do em đã sử dụng điện thoại di động nhiều lần, có nhắc nhở nhưng không thay đổi. "Tuy nhiên số này cũng rất hạn chế, vì đa số các em học sinh của trường đều ngoan, ý thức tự giác rất cao, bị bắt một lần đã rất sợ rồi", đại diện nhà trường chia sẻ.
Xin phép, có thể gọi điện thoại trước phòng giám thị nếu có việc cần
Việc quy định cấm học sinh dùng điện thoại di động trong Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền được áp dụng cả trong giờ học, giờ học sinh ra chơi, giờ ăn trưa bán trú, giờ ngủ trưa bán trú của học sinh tại trường.
Cán bộ quản lý nhà trường nêu rõ: "Trong giờ học sinh học bán trú ngủ trưa, đều có thầy cô giữ vai trò quản lý, sẵn sàng bắt lỗi học sinh cố ý dùng điện thoại di động".
Đại diện Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình cho hay nội quy cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường được phụ huynh rất ủng hộ. Có một vài phụ huynh băn khoăn là "con có việc gấp, liên lạc với gia đình cách nào?".
Điều này nhà trường đều có các giải pháp thuận tiện. Ở các cổng của trường, trong phòng bảo vệ đều có các điện thoại bàn của trường, các em tới là có thể gọi. Đặc biệt, nhà trường cho phép học sinh đi đến khu vực trước phòng giám thị của trường, các em xin phép thầy cô giám thị rồi mở điện thoại di động của mình rồi gọi. Gọi xong xuôi là chào thầy cô, tắt máy đi về lớp.
Không phải cứ dùng điện thoại di động thoải mái trong trường là chuyển đổi số
Bình luận dưới các bài viết của Báo Thanh Niên về chủ đề này, một số bạn đọc cho rằng thời đại chuyển đổi số, 4.0 mà cấm học sinh dùng điện thoại di động là "bước lùi". Đại diện ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thẳng thắn: "Chuyển đổi số là một phạm trù lớn. Ví dụ trong 52 lớp học đều có màn hình tivi, máy vi tính kết nối internet, dàn âm thanh..., trường học có 4 phòng máy vi tính kết nối internet, thư viện cũng có máy tính kết nối mạng, thì thầy cô giáo và học sinh chuyển đổi số bình thường. Hay trước đây chúng ta chỉ điểm danh học sinh theo cách truyền thống, còn bây giờ trường thực hiện điểm danh học sinh bằng nhận diện khuôn mặt. Đến trường, học sinh chỉ cần đưa khuôn mặt lại gần mấy giây là điểm danh xong. Đó cũng là chuyển đổi số... Do đó, không phải cho học sinh dùng điện thoại thoải mái mới là chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong học tập phải có sự hướng dẫn định, hướng của giáo viên".
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình năm học 2024-2025 có 1.909 học sinh, với 52 lớp học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là 100%.
Đây là ngôi trường nổi tiếng tại TP.HCM với chất lượng dạy và học tốt, học sinh có nhiều thành tích cao. Trong nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đều là trường có điểm chuẩn thi vào lớp 10 cao nhất TP.HCM.