Đây là nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề sai sót trong các nghiên cứu ngành tâm lý học, theo tờ The Chronicle of Higher Education ngày 21.2. ĐH Bern tài trợ 250.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 285.000 USD) cho dự án này.
“Săn lỗi để nhận tiền thưởng”
Trong vòng 4 năm tới, chương trình "Ước tính độ tin cậy của nghiên cứu" (gọi tắt là ERROR) sẽ trả tiền cho các chuyên gia để đánh giá 100 bài báo nghiên cứu khoa học được trích dẫn nhiều nhất. Nếu phát hiện sai sót như sai số liệu, mâu thuẫn giữa phân tích dữ liệu và kết luận hay giả mạo số liệu… thì người đánh giá (reviewer) sẽ công bố báo cáo chi tiết.
Bước đầu, tâm lý học là lĩnh vực được ưu tiên và chương trình sẽ mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, khoa học chính trị và y học. “Một bài báo khoa học chỉ được rà lỗi nếu tác giả đồng ý”, ông Elson nói.
Các tác giả tham gia chương trình ERROR sẽ nhận được một khoản phí nhỏ khoảng 285 USD nếu không tìm thấy lỗi nào (hoặc chỉ là lỗi nhỏ). Người đánh giá thì được trả từ 1.135 USD trở lên tùy theo tầm quan trọng của nghiên cứu và số lượng lỗi mà họ phát hiện được.
Nếu bài báo khoa học bị gỡ bỏ khỏi tạp chí chuyên ngành thì người đánh giá sẽ được thưởng 2.835 USD. ERROR được ví như là một chương trình “săn lỗi để nhận tiền thưởng”.
ERROR sẽ bắt đầu với 3 bài báo, trong đó có 1 bài báo năm 2020 về chiến lược ngăn thông tin thất thiệt trên mạng về đại dịch Covid-19. Ông Gordon Pennycook, tác giả chính và phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell, cho biết ông rất vui khi nghiên cứu của mình được chọn.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà khoa học đều cởi mở trước chương trình ERROR. Ông Elson cho biết, tính đến nay, tác giả của hai bài báo được đề cử đã từ chối lời mời và hai người khác vẫn chưa quyết định.
Khuyến khích "vạch lá tìm sâu"?
Hiện có các ý kiến trái chiều trước chương trình ERROR. Những người ủng hộ xem đây là một bước đi táo bạo, giúp các nhà nghiên cứu ý thức hơn về liêm chính học thuật và tăng cường nỗ lực tránh sai sót.
Bên cạnh đó, việc thưởng tiền có thể kích thích các nhà đánh giá nâng cao tay nghề, đảm bảo công tác đánh giá, bình xét học thuật hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những người phản đối gọi đây là biện pháp kích thích hành vi “vạch lá tìm sâu” xuất phát từ thành kiến, ý kiến cá nhân thiếu khách quan từ người đánh giá.
Chưa kể, người đánh giá với động cơ cá nhân không trong sáng có thể lợi dụng chương trình này, làm ảnh hưởng uy tín của các nhà nghiên cứu.