Ông Nguyễn Minh Trí, nghiên cứu sinh về giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết IELTS về bản chất chỉ là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ với bộ tiêu chí và triết lý riêng, tương tự nhiều kỳ thi khác như TOEIC, hay PTE. Việc dùng IELTS như một tấm "bùa hộ thân" đang trở thành một vấn đề bất cập, làm sai lệch đi bản chất của việc học qua việc đánh tráo khái niệm "năng lực ngôn ngữ" và "tài năng".
"Về mặt kiến thức, những nội dung trong kỳ thi IELTS đa dạng các chủ đề từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Tuy nhiên, những kiến thức này chỉ là công cụ để thông qua đó, người học thể hiện năng lực ngôn ngữ, chứ không phản ánh được thí sinh giỏi các ngành hoặc nhánh ngành liên quan hay không", ông Trí nhận định.
Từ đó, ông Trí cho rằng IELTS vốn không phản ánh được năng lực học tập chuyên sâu của thí sinh ở các bộ môn khác. Ngoài ra, trong bối cảnh thời đại số mở, chúng ta nên bình thường hóa việc sử dụng tiếng Anh như một "kỹ năng sinh tồn", tránh "thần thánh hóa" IELTS vì điều này sẽ gây lãng phí không cần thiết khi mọi người chạy theo việc học IELTS với học phí đắt đỏ.
Tương tự, thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cũng đánh giá, việc sử dụng IELTS vào những mục đích khác nhau như xét tuyển, tuyển thẳng trong các khối lớp... hay đơn giản là kiểm tra năng lực người học tiếng Anh đang được áp dụng rộng rãi do sự phổ biến của bài thi.
"Hội đồng Anh cũng nêu rõ IELTS được sử dụng cho giáo dục ĐH (Higher education) và di trú. Như vậy, việc đưa IELTS thành chuẩn đánh giá năng lực tiếng Anh chỉ có thể áp dụng đối với một số đối tượng nhất định, chứ không phải đại trà ở các cấp, các kỳ thi như hiện nay", thạc sĩ Hữu cho hay.
Theo ông Hữu, xuất phát từ mục đích sử dụng đó, bài thi IELTS ở các kỹ năng cũng được thiết kế sao cho phù hợp với người học, thí sinh ở một độ tuổi nhất định, khớp với giai đoạn giáo dục ĐH của họ. Chính vì vậy, các đối tượng chưa đạt độ tuổi hoặc trình độ này sẽ không thích hợp hoàn toàn với bài thi.
"Việc thúc ép triển khai bài thi với họ có thể dẫn đến những hệ quả phản tác dụng như làm mất đi cơ hội hoàn thiện toàn diện cũng như động lực học tiếng Anh, và gia tăng tâm lý sợ ngoại ngữ nơi người học", thạc sĩ Hữu nhìn nhận.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của chứng chỉ IELTS
Thạc sĩ Hữu cũng nêu: "Đối với các bạn ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận IELTS, điều này càng bất lợi cho họ khi số giáo viên hiểu và đủ trình độ để giảng dạy IELTS còn hạn chế, chưa kể đến các vấn đề khác có liên quan như giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, chi phí quản lý đào tạo, thù lao… Thêm vào đó, học phí cho một khóa học IELTS tại các trung tâm không phải là rẻ, chưa kể đến việc phải học nhiều khóa".
Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí thẳng thắn cho rằng việc lạm dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển các bậc học sẽ gây ra áp lực về tài chính và tạo sự không công bằng với học sinh ở vùng sâu vùng xa.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (tỉnh Tiền Giang), cũng nhận định do IELTS được ưu ái quá nhiều nên học sinh sẽ "chạy đua" lấy chứng chỉ IELTS để được ưu tiên xét tuyển hoặc quy đổi thành điểm, miễn thi ngoại ngữ.
"Điều này là rất bất ổn và không công bằng với đa số học sinh. Các môn văn hóa khác, học sinh đều có thể tự học ở nhà, còn IELTS đa số phải đến học ở trung tâm với mức học phí đắt đỏ, lệ phí thi cũng cao, chỉ những em có điều kiện kinh tế mới đầu tư được. Học sinh nghèo, học sinh ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa nhiều em có năng lực ngôn ngữ nhưng không đủ tài chính và điều kiện để học thì rất thiệt thòi", thạc sĩ Hải chia sẻ.
Ông Hải đồng thời nhấn mạnh IELTS chỉ là bài thi đánh giá kỹ năng về ngôn ngữ, còn để học ĐH cần rất nhiều kỹ năng khác và khi ra trường ngoại ngữ cũng chỉ là một yếu tố bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm.
"Kích thích việc học tiếng Anh bằng cách nhìn nhận đúng vai trò của chứng chỉ IELTS để sử dụng phù hợp chứ không phải lạm dụng chứng chỉ này như hiện nay", thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải nhận định thêm.