Ngành giáo dục phải nhanh chóng hành động, xóa bằng được nạn lạm thu dai dẳng từ nhiều năm học qua. Xin kiến nghị 6 giải pháp chặt đứt vòi lạm thu tiền trường.
Không để mỗi lớp học là “đơn vị sự nghiệp có thu”
Trong Thông tư 55 năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mục a, điều 10, chương 1 của Thông tư 55 đề cập đến kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Vịn vào đây, lãnh đạo các trường, nhất là hiệu trưởng, kéo “vòi lạm thu” đến từng phụ huynh lớp.
Chính vì thế, Bộ GD-ĐT phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 55, và trên hết là ngay lập tức xóa bỏ mục a, điều 10 chương 1 của thông tư này.
Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT: Lạm thu chồng lạm thu?
Nội dung Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT có quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường dựa vào phụ huynh tài trợ là chủ yếu và thường áp đặt mục đích vận động, số tiền cần có và “giá” phải đóng cho từng bậc phụ huynh.
Nếu cấp trên về kiểm tra thì nhà trường chỉ cần điều chỉnh danh sách tài trợ sao cho mỗi phụ huynh đóng góp có khác chút ít. “Chiêu” này khi đi tập huấn, các hiệu trưởng thường được quán triệt đến nơi đến chốn! Vì thế, tác dụng Thông tư 16 rất hạn chế, lợi bất cập hại, làm cho lạm thu chồng lạm thu!
Nghiêm trị người đứng đầu gây ra lạm thu tiền trường
Mới đây, dư luận xôn xao về bảng thu chi quỹ lớp đầu năm của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lên đến hơn 300 triệu đồng. Đầu năm học, mỗi phụ huynh học sinh của lớp này đóng quỹ 10 triệu đồng. Chỉ sau khi báo chí phản ánh vụ việc, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh yêu cầu nhà trường theo dõi và giám sát việc thực hiện hoàn trả tiền thu-chỉ sai quy định của ban đại diện cha mẹ học sinh, đồng thời chỉ đạo nhà trường phê bình giáo viên chủ nhiệm.
Mọi khoản thu trong nhà trường đều do chính hiệu trưởng phê duyệt. Như vậy, sức hút “hoa hồng” có phải là lý do chính khiến người đứng đầu nhà trường biến thành “đầu nậu” lạm thu?
Thử hỏi, một cô giáo khi không có ý kiến của sếp, có dám thu mỗi phụ huynh 10 triệu đồng hay không? Ầm ầm sửa chữa lớp học, trang trí, bổ sung phương tiện dạy học hơn 200 triệu đồng, mà chỉ mỗi cô giáo “lặng lẽ” làm hay sao?
Vì thế ngành giáo dục phải làm rõ trách nhiệm và nghiêm trị người đứng đầu gây ra lạm thu. Xử lý theo kiểu trả lại tiền thu, phê bình cô giáo chủ nhiệm thì không bao giờ triệt tiêu lạm thu!
Truy đến cùng trách nhiệm của phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT
Ngành giáo dục phải hướng dẫn các trường thu chi vào đầu năm học cần sát thực tế, phòng chống lạm thu với các biện pháp chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng.
Sau khi hướng dẫn, ngành giáo dục phải tổ chức tự kiểm tra, kiểm tra chéo, đồng thời phối hợp thanh tra các địa phương, đoàn thể giám sát việc thực hiện thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục.
Ngành giáo dục phải lập đường dây nóng để phụ huynh, học sinh, người dân phản ánh kịp thời chuyện lạm thu tiền trường. Nếu thấy quy định có “hở sườn”, cơ quan quản lý phải ngay lập tức sửa đổi, bổ sung. Khi cấp trên làm đúng-đủ-nhanh chóng-kiên quyết chức năng quản lý nhà nước (về phòng, chống lạm thu), xử phạt nghiêm minh, không hiệu trưởng nào dám xé rào thu sai hay không? Để xảy ra lạm thu, ngành giáo dục phải truy cứu trách nhiệm của phòng GD-ĐT và cả sở GD-ĐT.
Vai trò chân chính của ban đại diện cha mẹ học sinh
Lạm thu tiền trường một phần xuất phát từ tình trạng phụ huynh cả nể, dễ dãi. Nếu phụ huynh đồng lòng tuyên bố “không nhất trí” một khoản thu trái khoáy nào đó, không đóng, thì lạm thu khó có thể xảy ra.
Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường nếu còn tồn tại thì phải thực sự đại diện cho tiếng nói chân chính của đông đảo phụ huynh, phải hành động vì lợi ích học tập chính đáng của con em mình.
Học phí là khoản thu duy nhất
Cuối cùng, chỉ cần có một khoản thu duy nhất trong trường công, đó là học phí. Mức thu được tính đúng, đủ; các đối tượng học sinh diện chính sách, con em gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì được miễn, giảm. Đối với trường đóng trên địa bàn khó khăn, nhà nước phải tăng ngân sách hỗ trợ nhằm bảo đảm công bằng xã hội tuyệt đối trong giáo dục.
Ngoài học phí, các trường không được thu của phụ huynh bất kỳ khoản thu “tự nguyện” nào, dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ khoản quyên góp thiện nguyện.
Để mỗi sáng học sinh luôn náo nức đến trường, phải nhanh chóng “chặt đứt vòi” lạm thu tiền trường!