Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo điều 33 dự thảo sửa đổi luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan tại ngũ được bảo đảm chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, thai sản, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
Cha mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; cha mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 18 tuổi trở lên, nếu còn tiếp tục đi học phổ thông của sĩ quan tại ngũ không có chế độ bảo hiểm y tế, thì được Cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo điều 13 luật này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu. Cụ thể, tại điều 13 của dự thảo quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, đối với cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá 52 tuổi; trung tá 54 tuổi; thượng tá 56 tuổi; đại tá 58 tuổi; cấp tướng 60 tuổi.
Được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần theo quy định của Chính phủ.
Tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị
Theo điều 38 dự thảo luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau: cấp úy là 53 tuổi; thiếu tá: 55 tuổi; trung tá: 57 tuổi; thượng tá: 59 tuổi; đại tá: 61 tuổi; cấp tướng: 63 tuổi.
Đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, căn cứ trình độ đã được đào tạo, kết quả học tập, rèn luyện được phong quân hàm sĩ quan dự bị.
Cấp bậc quân hàm cao nhất
Theo điều 15 dự thảo, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:
Đại tướng, số lượng không quá 3, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá 6; Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng không quá 3; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, Phó đô đốc Hải quân; thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân; số lượng không quá 398.
Sĩ quan quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng, hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng.
Sĩ quan quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng.
Sĩ quan quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng.
Cũng theo dự thảo, tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc đại tá lên thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.
Chức vụ của sĩ quan
Theo điều 11 dự thảo, chức vụ cơ bản của sĩ quan gồm:
Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổng tham mưu trưởng, Phó tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục.
Tư lệnh, Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn.
Phó chủ nhiệm tổng cục, Phó tổng cục trưởng, Phó chính ủy Tổng cục.
Phó tư lệnh, Phó chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn.
Tư lệnh, Chính ủy Binh chủng; Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân.
Phó tư lệnh, Phó chính ủy Binh chủng; Phó tư lệnh, Phó chính ủy Vùng Hải quân.
Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh.
Phó sư đoàn trưởng, Phó chính ủy sư đoàn; Phó chỉ huy trưởng, Phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Phó chỉ huy trưởng, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn.
Phó lữ đoàn trưởng, Phó chính ủy Lữ đoàn.
Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện), Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
Phó trung đoàn trưởng, Phó chính ủy trung đoàn; Phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn.
Phó tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn.
Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội.
Phó đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội.
Trung đội trưởng.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng dự thảo lần này đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới, đáp ứng được nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan quân đội. Khi luật được thi hành sẽ góp phần thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để cán bộ sĩ quan ổn định hậu phương, an tâm công tác, xây dựng quân đội.