Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bằng kỹ sư được cấp cho những ngành học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Còn bằng cử nhân dành cho sinh viên học các lĩnh vực còn lại như khoa học cơ bản, kinh tế, sư phạm, dịch vụ…
"Nhưng vẫn có một số ngành giao thoa giữa kỹ thuật, công nghệ với các lĩnh vực khác như kinh tế, dịch vụ. Có nơi cấp bằng cử nhân nếu chương trình thiên về kinh tế, dịch vụ; có nơi cấp bằng kỹ sư nếu học thiên về kỹ thuật", tiến sĩ Nhân thông tin.
"Về ngành quản trị doanh nghiệp, ở bậc ĐH, thường là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh. Ngành học này thuần lĩnh vực kinh tế nên các trường đều cấp bằng cử nhân, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đến nay, chưa thấy có trường nào cấp bằng kỹ sư cho ngành này", tiến sĩ Nhân chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng nếu có trường xây dựng chuyên ngành quản trị doanh nghiệp nằm trong một ngành liên quan đến kỹ thuật, chẳng hạn kỹ thuật xây dựng, sau khi tốt nghiệp chuyên làm việc tại các doanh nghiệp về xây dựng, thì có thể sẽ được cấp bằng kỹ sư.
"Tại Trường ĐH Duy Tân, chuyên ngành quản trị doanh nghiệp thuộc ngành quản trị kinh doanh. Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ được cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về tổ chức, quản lý điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý các hoạt động doanh nghiệp. Tốt nghiệp các em được cấp bằng cử nhân", tiến sĩ Hải cho hay.
Theo đại diện các trường ĐH, chương trình học để lấy bằng kỹ sư sẽ kéo dài hơn, khoảng 150 tín chỉ và bằng cấp này tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam, còn chương trình cử nhân được xây dựng tối thiểu 120 tín chỉ, tương đương bậc 6.