Mùng 3 tết thầy - truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời
Cuộc sống ngày nay dù có nhiều đổi thay nhưng mùng 3 tết thầy là truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được lưu truyền và trở thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với phụ huynh, tết là cơ hội để dạy học sinh biết những nét đẹp, giá trị truyền thống như: cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo (23 tháng chạp), cúng tất niên, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét, bánh chưng, dựng cây nêu ngày tết…
Phụ huynh cũng có thể động viên con thăm thầy cô giáo dạy mình vào mùng 3. Điều này góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam nỗi khi tết đến xuân về.
Giúp học sinh hiểu về truyền thống
Là giáo viên dạy môn giáo dục công dân, tôi luôn trăn trở làm sao để học sinh thấu hiểu đạo lý làm người thông qua những việc làm cụ thể, chứ không phải là dạy lý thuyết suông.
Khi dạy bài “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, tôi cho học sinh sắm vai với kịch bản Phạm Sư Mạnh và một người bạn đến nhà mừng thọ thầy giáo Chu Văn An.
Khi đến giữa sân nhà thầy, Phạm Sư Mạnh và bạn kính cẩn chào: “Lạy thầy ạ, có anh em chúng con đến hầu thầy!". Nội dung đơn giản nhưng hình ảnh thầy trò thời xưa giúp học sinh hiểu được nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Vào sáng 31.1, trong tiết 2 môn giáo dục công dân trước thềm nghỉ tết, tôi dành 5 phút cuối để chúc tết học sinh: “Chúc các em năm mới Giáp Thìn học tập tiến bộ hơn, tất cả đều thi đậu vào lớp 10 và cho thầy gửi lời chúc gia đình các em sức khỏe, an vui, hạnh phúc".
Tràn pháo tay của học sinh khiến lòng tôi dâng trào cảm xúc lâng lâng niềm vui khi rời khỏi lớp theo về đến nhà. Vui hơn khi có nhiều học sinh hỏi nhà thầy ở đâu tết em đến chơi. Học sinh Lại Trúc Đào (lớp trưởng 9/3) còn nói to: “Mùng 3 em đến nhà thầy, thầy lì xì cho em nhen!”.
Như vậy, học sinh thời nào cũng vậy, dù có những lúc làm cho thầy cô buồn nhưng từ sâu thẳm trong lòng các em vẫn luôn nhớ về giáo viên, nhất là vào dịp lễ, tết. Điều này chứng tỏ truyền thống nhớ ơn thầy cô được khắc ghi, lưu truyền theo cùng thời gian năm tháng.