Ghé thăm trang cá nhân (blog) của Giáo sư Thomas Koberda (sinh năm 1984), hẳn nhiều người Việt sẽ nhận ra tình cảm đặc biệt mà chủ nhân blog dành cho Việt Nam. Dấu ấn Việt Nam được thể hiện trên blog rất đậm nét; phần lớn ảnh minh họa các mục trong blog là có sự liên quan tới Việt Nam, chẳng hạn như bức ảnh chụp trang đầu tiên của ấn bản Truyện Kiều in năm 1932, rồi bức tượng Quốc sư Chu Văn An trong đền thờ của ông ở Văn Miếu, hoặc bức ảnh chụp cận cảnh bàn tay của chính Giáo sư Koberda viết bảng trong một lần giảng bài ở Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)… Nhưng điều thú vị nhất của trang blog này nằm ở mục dịch thuật. Đó là nơi "chính chủ" đăng tải bản tiếng Anh các tác phẩm văn học Việt Nam do chính mình dịch. Hiện tại (12.2023) trang đã hiển thị bản dịch 39 tác phẩm của các tác giả Thạch Lam, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Minh Châu. Trong đó, riêng tác giả Thạch Lam có 35 tác phẩm.
Điều bất ngờ là hành trình đến với tiếng Việt của nhà toán học người Mỹ gốc Ba Lan bắt đầu từ một duyên cớ tưởng như vu vơ. Mà mãi đến gần đây, từ năm 2022, anh mới bắt đầu có một "cái cớ" để được "chăm" sang Việt Nam hơn, đó là việc triển khai chương trình học bổng dự bị sau đại học ngành toán cho sinh viên Việt Nam (The Fellowship for Pre-Graduate Studies in Mathematics), mà Giáo sư Koberda là người đồng sáng lập và tư vấn. Còn câu chuyện "chinh phục" tiếng Việt của Koberda thì bắt đầu từ trước đó khá lâu. Nếu đào xới nguồn cơn thì dấu mốc đầu tiên là từ năm 1996…
Phát hiện vẻ đẹp bí ẩn của tiếng Việt từ năm 12 tuổi
Thomas Koberda sinh ra và lớn lên ở Evanston, một thành phố nằm trên vùng Bờ Bắc (North Shore) Chicago của nước Mỹ, dọc theo hồ Michigan. Tuổi thơ của Thomas gần như không có khái niệm "người Việt" vì cậu chưa từng gặp hay quen biết một người Việt nào ở thành phố quê hương mình. Nhưng một lần tình cờ, khoảng năm 1996, khi truy cập vào một trang web, cậu bé Thomas bắt gặp nhiều văn bản được hiển thị với đủ thứ ngôn ngữ, trong đó có những văn bản tiếng Việt. Ngay lập tức, Thomas bị thu hút bởi hình thức của văn bản này.
"Tôi thấy nó đẹp và bí ẩn. Tôi không giải thích được vì sao thấy nó đẹp, đó chỉ là một cảm nhận chủ quan. Còn bí ẩn? Chữ Việt viết bằng chữ Latin, nó giúp tôi nhận ra các chữ cái. Nhưng các chữ cái kết hợp với nhau tạo ra các từ và câu. Cái cách kết hợp đó tác động vào cảm xúc thẩm mỹ của tôi một cách mạnh mẽ, dù tôi chẳng hiểu nghĩa của các từ, câu đó là gì. Ấn tượng đó đã đọng lại trong tâm trí tôi mãi, rồi sống dậy mạnh mẽ vào 15 năm sau đó, khi tôi lần đầu được đến Việt Nam", Thomas chia sẻ.
Lần đầu Thomas đến Việt Nam là mùa hè năm 2010, khi tham gia một chương trình dành cho nghiên cứu sinh chừng 2 tháng ở Singapore. "Cuối tuần ở Singapore rất buồn, nên chúng tôi thường rủ nhau đi chơi ở một số nơi trong khu vực Đông Nam Á. Lần đó chúng tôi đến TP.HCM chơi. Đó là một chuyến đi rất vui. Tôi được chứng kiến một thành phố có cuộc sống sôi động, nó cho tôi nhiều gợi mở…", Thomas kể.
Vì muốn biết nhiều hơn về Việt Nam nên trong chuyến đi trên, Thomas đã tranh thủ mua ngay một số cuốn giáo trình học tiếng Việt để tự học. Thoạt tiên anh cũng học được một chút, nhưng vì thấy quá khó nên đôi khi việc học gián đoạn, thành thử nhiều năm trôi qua mà khả năng tiếng Việt của Thomas chẳng "tiến bộ" được chút nào.
Hành trình chinh phục tiếng Việt
Đầu năm 2019, Thomas được quay trở lại Việt Nam lần thứ hai. Lần này anh đến Hà Nội, dự một hội thảo về toán. Kết thúc hội thảo, anh cùng hai đồng nghiệp đi chơi quanh Hồ Tây. Trước đó cả ba từng nghe nói Hà Nội có rượu nếp quê (nút chai bằng lá chuối) rất ngon, nên tìm mua. "Tôi đã vào một nhà hàng, dùng hết khả năng tiếng Việt của mình để nói với người bán hàng, nhưng họ không hiểu gì. Khi tôi viết ra giấy chữ "rượu lá chuối" thì họ cũng đoán ra chúng tôi cần gì, và chỉ cho chúng tôi nơi có thể hỏi mua. Quả là rượu nút lá chuối rất ngon. Giờ thì tôi đã biết có thể mua rượu này ở đâu, và phát âm khá rõ cụm từ này", Thomas kể.
Lúc thế giới bắt đầu bước vào đại dịch Covid-19, Thomas quyết định khởi động trở lại một cách nghiêm túc việc học tiếng Việt. Nhưng việc tự học không hiệu quả khi mà anh không sống ở Việt Nam, không có bất kỳ cơ hội giao tiếp với người Việt nào. Cách đây 2 năm, một người bạn giới thiệu với Thomas một ứng dụng học ngoại ngữ, qua đó anh có thể liên hệ với các giáo viên dạy tiếng trên toàn thế giới. Anh đã thử tìm xem có giáo viên tiếng Việt nào không. May quá, có 3 người. Anh lựa chọn ngẫu nhiên được một người, là anh Nông Quang Lộc, khi đó là giáo viên Trường tiểu học Vinschool ở Hà Nội. "Thật vui, vì đó là một thầy giáo giỏi. Vì buổi học nào của chúng tôi cũng thú vị. Nhờ học với bạn ấy mà tôi tiến bộ rất nhanh", Thomas chia sẻ.
Năm 2022, nhờ thực hiện chương trình Vietnam Polymath REU mà Thomas đã có thêm một chuyến đến Việt Nam. Lần đầu tiên anh được gặp trực tiếp thầy giáo dạy tiếng Việt của mình. Lộc mời anh về Tuyên Quang (quê của Lộc) chơi. Đây là cơ hội cho Thomas trải nghiệm thực hành tiếng Việt. Đứa cháu trai của Lộc rất nhiệt tình. Cậu bé đầy nhẫn nại, ngồi nói chuyện với chú Thomas mấy tiếng đồng hồ. "Kết thúc cuộc trò chuyện, cậu bé đưa ra những nhận xét rất hữu ích với tôi. Cậu bảo, chú nói tốt đấy, nhưng phát âm không chuẩn lắm, và chú nói chậm quá. Rất đúng! Cậu bé còn bảo, chú phải tập luyện nhiều hơn. Không thể đúng hơn! Từ đó tôi đã cố gắng thực hiện các góp ý đó", Thomas kể.
Mở ra một thế giới mới
"Sau một thời gian học tiếng Việt, những chữ viết trước đây chứa đựng nội dung bí mật với tôi, thì giờ đây mở ra những điều rất thú vị. Tôi như được bước ra một thế giới mới mẻ. Tôi bị mê chữ Việt, muốn đọc thật nhiều văn bản tiếng Việt. Tôi vào thư viện trường tôi (Đại học Virginia - PV) để tìm sách tiếng Việt. Tìm mãi, rồi tôi cũng phát hiện chúng được "giấu" trên một kệ sách để tít trong một cái góc ở tầng hầm. Chỉ có 2 cuốn, Nắng trong vườn của Thạch Lam và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có cuốn Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhưng lại bằng tiếng Anh.
Lúc bắt đầu học một cách bài bản với giáo viên tiếng Việt, Thomas được giới thiệu tác phẩm của các tác giả Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Nhật Ánh… Trong những buổi học với giáo viên, thầy trò đã cùng đọc vài truyện ngắn như Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam), Làng (Kim Lân), Lão Hạc (Nam Cao)…
Khi vốn liếng tiếng Việt đã bắt đầu phong phú, Thomas bắt tay vào dịch các truyện ngắn của Thạch Lam sang tiếng Anh (từ tháng 1.2023). Ban đầu anh chủ yếu dịch các tác phẩm của Thạch Lam vì văn phong của ông trong sáng, cốt truyện nhẹ nhõm nên đọc dễ hiểu. Còn khi đọc Chí Phèo, Lão Hạc (đều của Nam Cao), Thomas phải mất rất nhiều thời gian để hiểu, và đây cũng là những tác phẩm mới được anh dịch trong thời gian gần đây (cùng với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Vợ nhặt của Kim Lân). Gần đây, anh bắt đầu đọc thêm tác phẩm của những nhà văn Việt Nam đương đại, chẳng hạn như Nguyễn Ngọc Tư. "Đang đọc Thạch Lam với những suy tư nhẹ nhàng, chuyển sang đọc Nam Cao thì tôi thấy sốc. Nếu như trong tác phẩm của Thạch Lam, cái chết đến với một nhân vật nào đó thì đấy là một điều rất kinh khủng. Còn trong tác phẩm của Nam Cao, cái chết rất nhiều, cái đói là phổ biến. Tôi hiểu biết đôi chút về chế độ phong kiến ở châu Âu, nhưng xã hội phong kiến Việt Nam qua tác phẩm của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Lân… thật khác biệt", Thomas bình luận.
Một động lực khác thôi thúc Thomas dịch các tác phẩm văn học Việt Nam là nhu cầu mạnh mẽ của anh trong việc chia sẻ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp về những tác phẩm mà anh đã đọc và yêu thích. Dịch xong một tác phẩm nào là anh lại đăng lên trang cá nhân của mình. "Bố tôi nói, bố thấy những truyện đó cũng hay đấy. Một chị đồng nghiệp nhắn tin, chị đã đọc vài tác phẩm mà em dịch và thấy chúng khá thú vị. Một số bạn khác chỉ nói là họ thích, rồi hỏi tôi là sao lại quan tâm tới văn học Việt Nam thế! Đó là điều rất khó giải thích, tôi chỉ biết là mình bị mê, bắt nguồn từ việc mê tiếng Việt. Việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam chỉ là tiếp tục một hành trình theo đuổi niềm đam mê mà tôi không thể dừng", Thomas cho biết.
Thomas Koberda là giáo sư toán tại Đại học Virginia, Mỹ. Anh tốt nghiệp cử nhân toán hạng ưu tại Đại học Chicago, nhận bằng tiến sĩ toán tại Đại học Harvard (là học trò của Giáo sư Curtis T. McMullen, người đạt giải Fields năm 1998). Trong nghiên cứu toán học, anh được cộng đồng toán học Mỹ và thế giới ghi nhận là một nhà toán học trẻ triển vọng thông qua một số học bổng, một số giải thưởng, điển hình là học bổng Sloan và giải thưởng Kamil Duszenko cho nghiên cứu về nhóm hình học lý thuyết (đều cùng năm 2017).
Thomas cho biết toán là môn học anh đặc biệt thích từ bé, bởi trong toán học, một vấn đề dù khó đến mấy thì cũng chỉ có một câu trả lời đúng. Ngoài toán ra, trên đời này chẳng có cái gì giản dị được như thế. Nhưng khi bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu toán học, anh bắt đầu có các sở thích khác như văn học, triết học, lịch sử. Hiện nay, sau những giờ làm toán, việc thưởng thức văn chương và dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh là một cách để anh làm cho cuộc sống của mình thú vị hơn.
"Bí mật của nền văn minh"
Thomas Koberda cho biết, bố mẹ anh đều là người Ba Lan di cư sang Mỹ nên ngôn ngữ anh sử dụng trong gia đình là tiếng Ba Lan. Khi học phổ thông thì ngoại ngữ mà anh được học là tiếng Pháp, sau khi tốt nghiệp THPT anh có một mùa hè sống ở Pháp, nên anh sử dụng được khá thành thạo tiếng Pháp. Khi làm nghiên cứu sinh, anh còn học tiếng Trung Quốc. Ba Lan, Pháp, Trung Quốc đều là những đất nước có nền văn học phát triển, được thế giới biết đến rộng rãi, ít nhất là qua các tác phẩm đoạt giải Nobel. Là một người yêu văn chương nên anh cũng tìm đọc nhiều tác phẩm văn học của các quốc gia này, bằng ngôn ngữ nguyên bản.
Nhưng chỉ duy nhất với văn học Việt Nam là anh có ham muốn mãnh liệt trong việc dịch sang tiếng Anh. "Tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước có nền văn học phát triển, nhưng ngoài Việt Nam ra rất ít nơi biết về nó. Nó như là một bí mật của nền văn minh. Vì thế mà tôi ham muốn được khám phá nó, như khám phá một kho báu ít người biết tới", Thomas nói.
Báo cáo viên đặc biệt
"Hồi giữa năm nay, chúng tôi được đón tiếp một báo cáo viên đặc biệt trong một buổi seminar, đó là Giáo sư Thomas Koberda. Nói đặc biệt, bởi Thomas không chỉ là một nhà toán học chuyên nghiệp với nhiều công bố đỉnh cao mà còn bởi vì anh là người nói tiếng Việt rất giỏi.
Nhưng trên tất cả, tôi đã ngạc nhiên và rất thích thú khi thấy Thomas thực sự yêu thích các tác phẩm văn học Việt Nam. Anh đã dịch rất nhiều tác phẩm của Thạch Lam, Nam Cao sang tiếng Anh. Trong số những tác phẩm anh dịch và đọc, có những tác phẩm mà tôi cũng chưa từng đọc. Tôi cứ tự hỏi, điều gì ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của một người Mỹ như anh?".
Phó giáo sư Nguyễn Thạc Dũng, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)