Long cho biết: “Tổ hợp ban đầu em chọn có các môn như toán, hóa, sinh vì cảm thấy thích thú, muốn được nhìn thấy thí nghiệm như những nhà khoa học. Tuy nhiên, em chuyển vì muốn thi khối C00 (văn, sử, địa) cho ngành học mong muốn”.
Tương tự, M.H (lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) cũng xác định lại ngành học nên mong muốn đổi tổ hợp. M.H cho biết: “Trước khi chọn tổ hợp em đã nghe tư vấn và xác định theo ngành kế toán nên chọn tổ hợp có các môn lý, hóa. Tuy nhiên, khi vào năm học em lại thấy mình hợp với các môn xã hội như sử, địa và dự sẽ thi khối D01 hoặc C00”.
Quyết định đổi tổ hợp sau khi hoàn thành năm lớp 10, Trần Vũ Nguyên Khôi (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) lựa chọn chuyển sang tổ hợp gồm các môn: địa lý, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Thầy Trịnh Văn Khoát, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng này.
“Thứ nhất, dù các trường đều tư vấn và định hướng nhưng có thể chưa thật sự đầy đủ, chỉ giới thiệu về các tổ hợp chứ chưa thể định hướng cho HS xác định năng lực, sở trường một cách chính xác nhất. Thứ hai, HS chưa đánh giá đúng năng lực, sở trường của bản thân, lựa chọn tổ hợp theo xu hướng, bạn bè. Cuối cùng, HS lớp 9 còn bỡ ngỡ về học theo tổ hợp, chưa xác định rõ mục tiêu học tập, chưa nhận thức rõ ràng về mối liên quan giữa ngành nghề ĐH với tổ hợp ở THPT”.
Thầy Khoát cho biết Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT có nêu: “Trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD-ĐT”.
Thầy Khoát khuyên: “HS lớp 10 khi lựa chọn tổ hợp cần xác định chính xác năng lực, sở trường học tập của bản thân; xác định mục tiêu ngành học/trường học ở bậc ĐH; không chạy theo xu thế chọn những tổ hợp không phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân”.