Năm lớp 8, T.K.N (học sinh lớp 9 của một trường THCS tại Q.Bình Tân, TP.HCM) được bầu chọn làm lớp phó học tập. Một trong số “nhiệm vụ” của lớp phó học tập là báo bài mỗi ngày cho các bạn, tức thông báo kiến thức ôn tập tại nhà và nội dung cần chuẩn bị cho bài mới. Vì thế, N. phải nghe dặn dò của giáo viên rồi ghi vào vở, sau đó sẽ thông báo lại trên nhóm Zalo của lớp vào cuối ngày học (khoảng 17 giờ).
Tuy nhiên, có những ngày N. đi học thêm về trễ nên báo bài trễ cho lớp (sau 20 giờ). Do đó, bạn bè hối thúc N. gửi báo bài sớm. Một phụ huynh thậm chí còn phản ánh với giáo viên chủ nhiệm và yêu cầu đổi lớp phó học tập.
“Lớp phó học tập có nhiệm vụ đốc thúc cả lớp. Nhưng điều làm em buồn nhất là các bạn cũng được nghe giáo viên thông báo nhưng chỉ cần em quên dặn gì đó thì mọi người đều đổ lỗi cho em”, nữ sinh bộc bạch.
Trường hợp của lớp phó học tập T.K.N phần nào cho thấy tư tưởng “cả lớp cùng chờ một người báo bài” đã dẫn đến hệ quả học sinh thiếu chủ động trong học tập, thậm chí “lỡ bài”, “sót bài” do phụ thuộc vào thông báo từ ban cán sự lớp.
Cô Trần Thùy Dương, một giáo viên tại Q.Ba Đình, Hà Nội, đánh giá sự việc: “Học sinh làm việc không tránh được sai sót nên không thể trách ban cán sự lớp. Điều đáng nói là các bạn khác đang thụ động trong chính việc học của mình”.
Đồng quan điểm, cô Doãn Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 Trường THCS Thọ Xuân, Hà Nội, lưu ý, một loạt hệ quả kéo theo là làm chậm tiến độ học tập, học sinh không hiểu bài vào buổi học sau, thậm chí ảnh hưởng đến giờ học chung của cả lớp khi giáo viên gọi phát biểu…
Thói quen chờ báo bài có thể thay đổi không?
Lê Thiên Phú (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Tấn Bê, TP.HCM) cho rằng bản thân vẫn cần báo bài để thống kê bài tập ở trường, từ đó tránh lẫn lộn, thiếu sót và giảm gánh nặng khi học tại nhà.
Đinh Thị Thảo Nhi, bạn cùng lớp của Phú, cũng thừa nhận báo bài quan trọng vì em không muốn “lỡ có kiểm tra mà không biết đường để học”. Về phía phụ huynh, cô Trần Thùy Dương, giáo viên ở Hà Nội – có con học lớp 8 tại Trường THCS Ngôi Sao (Hà Nội), khẳng định báo bài vẫn cần thiết khi thời khóa biểu của con không cố định, có nhiều hoạt động ngoại khóa.
Học sinh cần chủ động
Theo cô Trần Thùy Dương, học sinh phải chủ động ghi nhớ bằng cách riêng để thực hiện đủ yêu cầu môn học, cần thiết thì trao đổi với nhóm học tập để giải quyết vấn đề.
Từ thực tế đi dạy, cô Doãn Thị Trang nhận thấy học sinh chỉ cần tập trung nghe trên lớp và ghi chú vào vở là đã nâng cao tính chủ động. Cô Trang đồng thời bày tỏ hy vọng học sinh không cần đợi báo bài mà có thể tự định hướng những vấn đề cần tìm hiểu cho buổi học tiếp theo để thúc đẩy khả năng tư duy, khám phá.
Trong khi đó, có những học sinh dù nhận báo bài hàng ngày từ ban cán sự lớp nhưng vẫn chủ động ghi chú cho riêng mình.
Chẳng hạn, Vũ Trang Nhung (học sinh lớp 9 tại TP.HCM) chia sẻ: “Báo bài chỉ hỗ trợ một phần. Việc học là của mình nên em tự ghi chú lại”. Nhờ vậy, nữ sinh biết sắp xếp thời gian và bao quát bài học tốt hơn. Bên cạnh đó, Nhung cũng thường đối chiếu ghi chú của mình với báo bài trên lớp để bổ sung thông tin.
Còn một số học sinh như Bùi Ánh Vy (học sinh lớp 10, Trường THPT Gia Lộc, Hải Dương) khẳng định học sinh ở bậc THPT có thể chủ động trong việc học.
Học sinh THPT có cần báo bài?
Bùi Khánh Chi (học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Nam-Ba Lan, Hà Nội) cho biết: “Em là tổ trưởng nên nhận nhiệm vụ báo bài cho các thành viên, đôi khi chỉ là báo tên môn/sách kèm theo số trang có bài tập cần làm”. Theo Chi, lịch học ‘dày đặc’ từ học chính đến học thêm nên đôi khi học sinh không nhớ hết được việc cần làm, lúc đó, báo bài sẽ hỗ trợ.
Một số học sinh khác như Vũ Phương Linh (học sinh lớp 11, Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) nhận thấy báo bài là cần thiết nếu học sinh chẳng may quên hoặc không tập trung nghe giáo viên trên lớp.