“Không có gì đáng ngạc nhiên khi học phí ngày càng tăng”, ông Chu Mansheng, Phó giám đốc Hiệp hội Chiến lược phát triển giáo dục Trung Quốc, nói. Ông Chu, còn là cố vấn của Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết các ĐH Trung Quốc hoạt động trên cơ sở chia sẻ chi phí nên sinh viên phải chịu một phần chi phí tăng thêm.
Theo báo cáo ngân sách được công bố hồi tháng 3, Bộ Giáo dục Trung Quốc cắt giảm ngân sách cho giáo dục ĐH năm 2023 xuống còn 102 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD), giảm gần 4 tỉ nhân dân tệ so với một năm trước đó. Bộ Giáo dục Trung Quốc lý giải việc cắt giảm ngân sách được thực hiện theo chỉ đạo của nhà nước về kiểm soát chi tiêu ngân sách.
Về phía địa phương, chính quyền tỉnh Cát Lâm hồi tháng 3 cho biết cơ chế học phí hiện hành (áp dụng từ năm 2000) không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh đã giới hạn mức tăng học phí ở mức 15% đối với ĐH được chính phủ trung ương tài trợ và 10% đối với ĐH được chính quyền tỉnh tài trợ.
Theo South China Morning Post, nguồn tài chính của ĐH ở Trung Quốc gồm học phí, tài trợ của chính phủ cùng nhiều khoản đóng góp khác nhau.
Các ĐH công lập xếp hạng cao thường đảm bảo đủ kinh phí hoạt động. Trong khi đó các ĐH thông thường đang gặp khó khăn vì số lượng tuyển sinh tăng nhưng học phí lại bị quản lý chặt chẽ.
Tỷ lệ tăng học phí của Trung Quốc vẫn còn ít so với các nước lớn khác. Học phí ĐH ở Mỹ đã tăng vọt 175% trong hai thập niên qua, phần lớn các trường thu phí hơn 25.000 USD/năm, theo số liệu năm 2022 của trang US News & World Report. Dù vậy, mức tăng học phí tạo ra áp lực tài chính đối với nhiều hộ gia đình Trung Quốc đang chật vật vì thu nhập bị sụt giảm sau đại dịch Covid-19.
Học phí hàng năm của các trường ĐH tư thục ở Trung Quốc có xu hướng dao động trong khoảng 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ. Sinh viên Trung Quốc vẫn chuộng ĐH công lập hơn ĐH tư thục, theo South China Morning Post.