Từ năm 2017, thi THPT quốc gia có 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh (HS) được lựa chọn một trong hai tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN - lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (KHXH - sử, địa, giáo dục công dân). Với quy định môn thi và bài thi mới này, mọi người hy vọng HS sẽ chọn tổ hợp KHTN nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu đào tạo ở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực.
Hai năm đầu triển khai, tỷ lệ HS chọn bài thi tổ hợp KHTN và KHXH chênh lệch không nhiều. Năm 2017, có 57% HS chọn tổ hợp KHTN và 43% HS chọn tổ hợp KHXH. Năm 2018, tỷ lệ HS chọn tổ hợp KHTN và KHXH tương ứng là 52% và 48%.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 trở đi, tỷ lệ HS chọn bài thi tổ hợp KHXH ngày càng cao hơn so với tỷ lệ HS chọn tổ hợp KHTN. Năm 2024, thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 63% số HS chọn bài thi KHXH, gần gấp đôi tỷ lệ HS chọn KHTN (37%). Tỷ lệ chọn KHXH năm 2024 cao nhất, tăng 7,7% so với năm 2023.
Lý giải cho xu hướng này, theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước hết, tổ hợp KHXH gồm các môn sử, địa, giáo dục công dân là những môn xã hội rất gần gũi và vẫn còn mang tính chất học thuộc nhiều hơn, nên dễ học, dễ thi và thi đạt điểm cao, nên HS dễ đỗ tốt nghiệp hơn. Còn đối với các môn thuộc tổ hợp KHTN, mặc dù rất cần cho các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học, kinh tế, nhưng yêu cầu cao về tính logic, tính hệ thống và khả năng vận dụng mới đạt điểm cao. Ở các địa phương khó khăn, miền núi, nhiều HS dự thi với mục đích chỉ xét tốt nghiệp nên đa số các em chọn KHXH.
Thứ hai, về tuyển sinh đại học, năm 2017, 2018 chủ yếu dựa trên kết quả thi THPT nên HS chọn tổ hợp KHTN nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của các trường. Từ năm 2019 trở đi, các trường đại học tự chủ và xây dựng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như xét tuyển bằng điểm học bạ, bằng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ kèm theo các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… nên có nhiều HS đã trúng tuyển ĐH trước khi thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều HS lựa chọn tổ hợp tuyển sinh D01 (toán, văn, Anh) nên muốn tập trung cho 3 môn này và chọn tổ hợp KHXH. Đây là những lý do khiến ngày càng có nhiều HS chọn tổ hợp KHXH, không chỉ là địa phương khó khăn mà ở cả các thành phố lớn. Năm 2024, Hà Nội có trên 70% HS chọn tổ hợp KHXH, Hải Phòng có trên 64% HS chọn tổ hợp KHXH.
Thứ ba, nhiều trường ĐH mở rộng quy mô tuyển sinh đã bổ sung thêm một số tổ hợp có các môn KHXH như: Ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân; Ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh; Ngữ văn, địa lý, tiếng Anh… tạo thêm cơ hội trúng tuyển ĐH cho HS chọn tổ hợp KHXH.
GIẢI PHÁP ĐỂ HỌC SINH CHỌN MÔN HỌC, THI CÂN BẰNG
Nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, hội nhập quốc tế đòi hỏi nhiều lao động chất lượng cao thuộc các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế số, kinh tế xanh… bên cạnh các ngành thuộc xã hội và nhân văn. Theo quy hoạch phát triển giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay quy mô đào tạo các ngành nghề STEM (liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) khoảng 500.000 - 600.000 sinh viên sẽ tăng lên 1 triệu vào năm 2030.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực hiện theo phương thức và tính chất hoàn toàn mới. Đó là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với 4 môn thi, ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, HS được chọn 2 trong số các môn ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Để HS chọn môn thi cân bằng hơn giữa ngoại ngữ, các môn KHTN, KHXH và công nghệ, trước hết là khâu ra đề thi của Bộ GD-ĐT cần phải cân bằng về độ khó. Nếu vẫn diễn ra phổ điểm các môn KHXH cao hơn KHTN và công nghệ thì dần dần HS sẽ chọn KHXH như giai đoạn vừa qua.
Các trường đại học mở nhiều ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ, về STEM, bổ sung các tổ hợp xét tuyển có môn tin học, công nghệ để thu hút nhiều HS theo học đáp ứng nhu cầu của sự phát triển của đất nước. Việc tuyển sinh sớm không chỉ dựa vào điểm học bạ mà cần kèm theo điểm thi các môn tương ứng với tổ hợp mà HS đã xét tuyển sớm.
Cần thực hiện giáo dục hướng nghiệp sớm ngay từ cấp THCS, có thể cho HS lớp 9 tham quan, tiếp cận với các trường đại học, giúp các em có định hướng nghề nghiệp sớm và chọn môn học ở cấp THPT phù hợp. Các trường THPT khuyến khích HS chọn các môn KHTN và công nghệ nhiều hơn các môn KHXH.
Các trường THPT, trung tâm GDTX tăng cường giáo dục hướng nghiệp, nâng cao chất lượng dạy và học, ôn tập thi tất cả các môn học để HS yên tâm chọn môn thi theo đúng với định hướng nghề nghiệp của mình; chuẩn bị đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng để tham gia giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp.
Những địa phương thuận lợi, có kinh tế - xã hội phát triển, cần hướng HS lựa chọn môn thi là ngoại ngữ, các môn KHTN và công nghệ nhiều hơn các môn KHXH, như cách làm của TP.HCM, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và cả nước.
TP.HCM ngược với xu hướng chung toàn quốc
Xu hướng HS chọn tổ hợp KHXH áp đảo so với HS chọn tổ hợp KHTN diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số thành phố lớn. Những địa phương có nhiều tiến bộ trong cải thiện thứ hạng trung bình điểm thi như Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tuyên Quang… đều có tỷ lệ HS chọn tổ hợp KHXH trên 70%, trong đó Vĩnh Phúc là 75%.
Riêng HS của TP.HCM có xu hướng ngược lại khi ở nhiều trường THPT những năm gần đây có tỷ lệ HS chọn bài thi KHTN trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn áp đảo. Cụ thể như Trường THPT Trưng Vương trên 70%, Trường THPT Lương Thế Vinh trên 60%, Trường THPT Bùi Thị Xuân trên 80%... HS chọn tổ hợp KHTN.
Theo đó, rất nhiều HS được gia đình đầu tư học các môn về KHTN và công nghệ từ cấp THCS và suốt trong giai đoạn THPT. Ngoài ra, các em cũng được tiếp xúc sớm với công nghệ, với giáo dục STEM. TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước, do vậy HS có định hướng chọn các ngành nghề có tính chất năng động như kinh tế, kỹ thuật, công nghệ. Nhiều trường đại học ở TP.HCM xét tuyển bằng tổ hợp thuộc khối A, khối B, nhất là tổ hợp A01 (toán, lý, Anh). Đây là những lý do khiến HS của thành phố có xu hướng chọn KHTN nhiều hơn.
Mặt khác, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, HS của thành phố chọn tổ hợp KHTN nhiều hơn KHXH đã phản ánh đúng định hướng nghề nghiệp của các em. Đây cũng chính là hiệu quả của công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp của các nhà trường trong một thời gian dài. Giáo dục hướng nghiệp của nhà trường đã gắn liền với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Cùng với đó là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học các môn toán, KHTN, công nghệ và giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh trong những năm gần đây.