Dự kiến, có khoảng 100.000 học sinh tham dự kỳ khảo sát này. Đây là những học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm đầu tiên dành cho lứa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ khảo sát được tổ chức trong 1 ngày với 2 môn ngữ văn (buổi sáng) và toán (buổi chiều). Trong đó, học sinh làm bài kiểm tra môn ngữ văn trong 120 phút, hình thức kiểm tra tự luận; còn bài kiểm tra toán có thời gian làm bài 90 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Học sinh lớp 11 học theo chương trình giáo dục THPT và học viên lớp 11 học theo chương trình giáo dục thường xuyên đều tham gia khảo sát với 2 môn này. Nội dung kiểm tra nằm trong phạm vi chương trình giáo dục được học tính đến thời điểm được kiểm tra.
Đây là lần đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cho học sinh lớp 11 tham gia làm bài khảo sát chất lượng. Mọi năm, Hà Nội đều tổ chức hoạt động này nhưng áp dụng cho học sinh lớp 12. Năm nay, học sinh lớp 12 cũng sẽ tham gia làm bài khảo sát chất lượng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời gian làm bài trong tháng 4.
Mục đích của việc tổ chức khảo sát học sinh nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu của chương trình, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp học sinh điều chỉnh việc học tập, rèn luyện.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tại quyết định này, Bộ GD-ĐT nêu, cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ phải thi 4 môn (thay vì 6 môn như hiện nay), trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.