Bà Mai Hữu, Trưởng Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia, dẫn thông tin từ tổ chức IELTS cho biết, điểm trung bình kỳ thi IELTS học thuật (Academic) của người Việt Nam năm 2022 là 6.2.
Trong số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi (IELTS) vào năm 2022, thành tích của thí sinh Việt Nam đứng thứ 23, cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo báo cáo, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT xét duyệt kỳ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thông qua điểm thi một số kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEIC. Cụ thể, Bộ GD-ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương.
Bà Mai Hữu cũng dẫn thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT): "Trên cả nước, số lượng học sinh đủ được miễn thi bài thi ngoại ngữ tăng hàng năm: 28.620 thí sinh năm 2021, 35.391 thí sinh năm 2022 và 46.667 thí sinh trong năm 2023".
Thí sinh tham gia kỳ thi IELTS tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua có độ tuổi ngày càng trẻ hơn, với nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy 62% học viên thi IELTS nằm trong độ tuổi từ 16 - 22.
Học sinh Việt Nam gặp khó khăn nhất với kỹ năng nói
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, kết quả của học sinh Việt Nam chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Học sinh Việt Nam thể hiện thế mạnh trong môn đọc (reading) và nghe (listening), và gặp khó khăn nhất với môn nói (speaking), trong đó điểm trung bình môn nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8.
Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm thi trung bình của học sinh từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% học sinh đạt dưới điểm 5.
Do đó, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chỉ ra thực tế, môn ngoại ngữ là một trong những môn học đi trước trong đổi mới, có sự chuẩn bị sớm nhưng hiện còn rất nhiều khó khăn trong việc dạy học ngoại ngữ. Khó khăn về đội ngũ, về điều kiện dạy học chênh lệch giữa các vùng miền.
Theo ông Lê Anh Vinh, ở thành phố có thể học sinh lớp 6 đã đạt IELTS 8.0 nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì còn rất nhiều khó khăn trong tiếp cận ngoại ngữ. Do vậy, vẫn cần rất nhiều đầu tư về nguồn lực trong thời gian tới để thu hẹp khoảng cách này. Với người học, cần làm thế nào để học sinh thấy việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân, học vì thấy cần cho cuộc sống, công việc thì chất lượng dạy học môn học này sẽ được cải thiện.
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó, thay vì quy định các chứng chỉ được miễn thi ngoại ngữ tại văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT như các năm trước thì năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung vào quy chế thi tốt nghiệp THPT bằng phụ lục tại thông tư này.
Thêm vào đó, dự thảo cũng bổ sung chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi để xét tốt nghiệp THPT với môn ngoại ngữ. Cụ thể, với môn tiếng Anh, năm 2023 chỉ có các chứng chỉ được công nhận gồm: TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm).
Năm 2024, ngoài các chứng chỉ trên, môn tiếng Anh còn bổ sung thêm: B1 Preliminary/ B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3.