Nhiều nội dung cụ thể đang được Bộ GD-ĐT triển khai nhằm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050'.
Theo đó, trong quý 4.2024 Bộ thành lập Tổ công tác triển khai nhiệm vụ đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục ĐH xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trong quý 1 năm 2025, Bộ sẽ lựa chọn các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH và ban hành kế hoạch đào tạo chi tiết đến năm 2030 theo mục tiêu của chương trình. Cùng với đó là xây dựng, ban hành, hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Thời gian này Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc xây dựng đề xuất dự án đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với tối đa 9 đề xuất dự án đầu tư.
Trong năm 2025, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
Cơ chế chính sách để thúc đẩy trường ĐH tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả các đề tài, dự án cho cộng đồng, địa phương cũng sẽ được xem xét.
Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Từ 2025-2030, Bộ sẽ tổ chức triển khai chương trình tài năng phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở giáo dục ĐH.
Bộ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực và cân đối ngân sách nhà nước hằng năm để hỗ trợ, tài trợ các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn gắn với đào tạo sau đại học tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc.
Các ứng viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại nước ngoài sẽ được ưu tiên cấp học bổng tại chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý (học bổng Hiệp định Chính phủ và các đề án).
Việc thúc đẩy hợp tác giáo dục ở cấp Bộ và cấp Chính phủ giữa Việt Nam với một số tập đoàn lớn và quốc gia hàng đầu về công nghiệp bán dẫn cũng sẽ được thực hiện để để tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho các trường ĐH Việt Nam hợp tác với nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn.
Bộ cũng có kế hoạch từ năm 2025 sẽ tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.
Nguồn: thanhnien.vn
Đang gửi...