Đình chỉ học tập có thể phản tác dụng
Suốt thời gian học phổ thông cùng những năm tháng gắn bó với bục giảng, tôi ít khi chứng kiến học sinh cùng khóa hay học trò của mình bị đuổi học hoặc đình chỉ học tập. Học sinh dù vi phạm thế nào cũng luôn nhận được sự bao dung của thầy cô. Đó là nhân văn trong giáo dục.
Mọi hành vi trái ngược với quy chuẩn trường lớp, đi ngược với tập thể đều có lý do ẩn giấu đằng sau. Chính vì vậy, bất kỳ lỗi lầm nào của trò cũng đều được tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân và đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh gia đình, cá tính học sinh.
Thêm một lý do khiến hình thức đình chỉ học tập ít khi thực thi trong nhà trường chính là nỗi lo về ngã rẽ bất ngờ ấy khiến học sinh có thể bị sa ngã. Đình chỉ hay tạm dừng việc học chẳng khác nào đẩy một đứa trẻ còn non nớt, thiếu chín chắn và đang sai lầm trong nhận thức cùng hành động ra khỏi vòng tay thầy cô, bè bạn.
Bên ngoài cổng trường là một thế giới khác hẳn so với khi con học tập, vui chơi, sinh hoạt trong sự quan tâm của thầy cô và vòng tay bè bạn. Game online, mạng xã hội, việc tụ tập cùng chúng bạn lêu lổng rất dễ khiến một đứa trẻ tạm dừng việc học ngày càng sa đà hơn vào các thú vui tiêu khiển mà quên mất nhiệm vụ học tập.
Dấu ấn bị tạm dừng việc học có thể biến thành một lực cản không hề nhỏ đối với những em muốn quay trở lại trường lớp. Hoặc trẻ sẽ thu mình lại trong vỏ ốc riêng và đau đáu niềm đau nhức nhối về lỗi lầm đã xảy ra. Hoặc trẻ sẽ càng ương bướng, lì lợm sau dấu ấn xấu xí đã ghi vào học bạ và công bố toàn trường. Như vậy, hình thức tạm dừng việc học để giáo dục trẻ nhận ra lỗi lầm và sửa sai rất dễ đi chệch mục tiêu ban đầu.
Gia đình và nhà trường cần nâng đỡ đứa trẻ lầm lỗi
Khi hình thức kỷ luật tạm dừng việc học được thực thi, tôi mong rằng khoảng thời gian ấy sẽ không vô bổ, không biến thành nguy cơ khiến con đường đến trường sau đó của trẻ nhọc nhằn hơn, khó khăn hơn.
Trong một hay hai tuần đó, cơ hội cho trẻ sửa sai trong nhận thức và hành động là gì? Điều này cần sự tính toán cẩn trọng của nhà trường và gia đình trong việc rèn giũa một đứa trẻ nông nổi.
Gia đình phải dang rộng hơn nữa vòng tay yêu thương và nâng đỡ đứa trẻ lầm lỗi. Đừng suốt ngày trách mắng và xát muối vào nỗi đau bị tạm dừng việc học mà cần đồng hành cùng con nhiều hơn, lắng nghe con nhiều hơn, phối hợp tốt hơn với nhà trường để quản và rèn con trẻ.
Tạm dừng việc học không có nghĩa là giao phó hoàn toàn trẻ cho gia đình. Nhà trường phải phát huy vai trò của mình trong giáo dục giá trị sống cho trẻ. Những buổi tham vấn học đường, tư vấn tâm lý của thầy cô có chuyên môn nghiệp vụ lúc này thật sự cần thiết để giúp trẻ vượt qua chướng ngại sớm hòa nhập với tập thể sau thời gian tạm dừng việc học.
Không ai muốn con trẻ phải tạm dừng việc học vì sai lầm trong nhận thức, hành động. Vậy thì gia đình phải quan tâm con cái nhiều hơn, nhà trường phải chăm lo nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức và uốn nắn nhân cách cho trò.