Đó là thông tin vừa được bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM, vừa cung cấp cho báo chí.
Trong thông cáo báo chí do bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà ký ngày 17.10, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi công bố hình thức xử lý kỷ luật cô giáo gây thương tích cho học sinh, căn cứ vào Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức.
Cụ thể, hội đồng kỷ luật Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi hôm 13.10 đã đi đến thống nhất, áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cô N.T.S (khoản 2, Điều 17, Nghị định 112). Vào ngày 16.10, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ra quyết định kỷ luật cảnh cáo cô N.T.S.
Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó có bổ sung khoản 9, khoản 10 và khoản 11 tại Điều 2 của Nghị định số 112 quy định chi tiết hơn để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Cụ thể:”Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
Trước đó vào ngày 12.10, gửi thông cáo báo chí về vụ việc cô giáo đánh gãy ngón tay học sinh, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà cho biết vào ngày 4.10.2023, trong quá trình dạy học, cô giáo đã có hành vi chưa chuẩn mực gây thương tích cho học sinh (giấy chứng thương của phòng khám xác định gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4 phải do chấn thương).
Ngay sau vụ việc bị phụ huynh lớp 1 tố cô “đánh gãy ngón tay học sinh”, cô N.T.S đã bị tạm đình chỉ công tác. Hiệu trưởng cùng các đoàn thể và cô giáo đã đến tận nhà thăm hỏi tình hình sức khỏe của học sinh, nhận trách nhiệm về sự cố đáng tiếc nói trên. Ngày 12.10 nhà trường cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật đánh giá xem xét kỷ luật giáo viên trên.
Trong chiều 12.10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận vụ việc này gây “dư luận không tốt với ngành”; “quan điểm của Sở là dù vô tình hay cố ý thì hành động của cô không nằm trong quy định về chuẩn mực trong môi trường sư phạm nhà trường”.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình phối hợp với hiệu trưởng nhà trường xử lý nghiêm, xử lý giáo viên vi phạm với hình thức kỷ luật trong khuôn khổ viên chức giáo dục.
Học sinh bị đánh gãy ngón tay đã đi học bình thường. Nhà trường đã chuyển lớp cho em để đảm bảo tâm lý cho học sinh…