Bù Đăng thuộc huyện miền núi, nằm hướng đông bắc của tỉnh Bình Phước, với 31 dân tộc anh em sinh sống (đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 40% dân số). Ngoài dân tộc tại chỗ như S'tiêng, M'Nông, Ê đê, H.Bù Đăng còn có đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địa danh sóc Bom Bo đã trở thành huyền thoại, trung tâm tiếp tế lương thực cho cách mạng. Đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ già, trẻ, gái, trai; tận dụng vật dụng sẵn có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ, cung cấp lương thực cho chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài.
Dưới ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã cùng những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Bom Bo ngày nay đã được xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, H.Bù Đăng). Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của người S'tiêng vùng miền Đông Nam bộ. Đến nơi đây, ký ức Bom Bo huyền thoại như trở về qua lời ca, tiếng hát cùng với điệu cồng chiêng...
Theo ban tổ chức, lễ hội diễn ra trong 3 ngày (8 - 10.11.2024) tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, dự kiến thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó có các hoạt động đáng chú ý như: triển lãm; thi đẩy gậy, giã gạo; lễ hội "Kết bạn cộng đồng" của người S'tiêng; trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá; chạy việt dã "Đường về sóc Bom Bo"; lễ hội ẩm thực "Hương vị bên ánh đuốc Lồ Ô"...
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND H.Bù Đăng cho biết, đây là lần đầu tiên lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo" được tổ chức tại địa phương. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "uống nước nhớ nguồn".