"Ngay từ bây giờ, TS nên có định hướng việc làm tương lai vươn tầm quốc tế. Mỗi ngành học tại trường đều có khả năng đi du học, mỗi năm trường gửi 200 - 300 lượt sinh viên trao đổi quốc tế về thực tập và việc làm, trong đó có những quốc gia như Pháp, Mỹ… Đây chính là cơ hội để người học hội nhập vào thị trường lao động quốc tế", PGS-TS Võ Ngọc Dương thông tin thêm.
Chia sẻ cách lựa chọn chương trình liên kết quốc tế, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết chương trình học trong nước hay liên kết quốc tế cũng có nhiều phân khúc dành cho các nhóm TS khác nhau. "Một điều quan trọng hơn, TS cần tìm hiểu kỹ cả thông tin bằng cấp do trường nước ngoài cấp khi trở về VN có được công nhận để sử dụng trong nước hay không", thạc sĩ Quốc nhấn mạnh.
Một học sinh băn khoăn với ngành học đào tạo 100% tiếng Anh nhưng TS chưa đạt điều kiện tiếng Anh đầu vào thì các trường sẽ giải quyết ra sao. Tiến sĩ Đoàn Thị Liên Hương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng với chương trình chính quy quốc tế, TS phải đạt IELTS 5.5 mới đủ điều kiện vào học. Nhóm liên kết quốc tế lộ trình linh hoạt hơn, nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện ngoại ngữ vào học chuyên ngành thì có 1 năm học dự bị tiếng Anh trước khi vào học chính khóa. Chương trình chính quy giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh có quy định khác. Đầu tiên, TS cần trúng tuyển vào đúng ngành có triển khai chương trình này (đó là các ngành học về digital marketing và kinh doanh quốc tế). Sau đó TS cần đạt IELTS 5.5 hoặc tương đương để đăng ký theo học chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nếu chưa đạt điều kiện tiếng Anh, sinh viên có thêm 1 học kỳ để trang bị thêm kỹ năng tiếng Anh nhằm đạt điều kiện theo yêu cầu, khi đó bạn sẽ được chuyển vào học chương trình.