Mong muốn cho các em cảm nhận không khí tết
Sáng sớm, các "tiểu thương nhí" đã bận rộn buôn bán không kịp ngơi tay. Khác với những phiên chợ tết rộn rã tiếng nói cười của kẻ bán người mua, ở đây mọi người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nói ít hiểu nhiều, ai cũng vui vẻ vì được cho đi và nhận lại.
Chợ diễn ra từ ngày 19-31.1, với sự tham gia của 115 học sinh tại trung tâm cùng 10 gian hàng được bày bán đa dạng các sản phẩm. Ngoài bán trực tiếp, phiên chợ còn bán online. Nhờ sự quan tâm và ủng hộ của mọi người nên chợ quê ngày tết ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên bán rất chạy hàng.
Các gian hàng nhỏ được dựng bằng thân tre, lợp mái tranh giản dị, trang trí bắt mắt, đậm chất phiên họp chợ tết của ngày xưa. Các loại bánh quê truyền thống như: bánh phục linh, bánh kẹp, mứt gừng, mứt dừa, bánh cốm hay dưa món, củ kiệu, lạp xưởng ngày tết… với giá bán dao động từ 15.000 - 100.000 đồng/món.
"Sinh ra đã thiệt thòi nhiều thứ. Thương và đồng cảm với các em nên chúng tôi rất muốn tạo môi trường để các em vui vẻ. Tái hiện phiên chợ quê ngày xưa với mong muốn cho các em cảm nhận không khí tết, trải nghiệm các hoạt động mua bán, biết thối tiền cho khách; đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp cũng như thực hành kỹ năng mà các em được học trên lớp. Ngoài ra, chúng tôi còn cho các em trải nghiệm làm bánh, mứt tại trường. Các em thích thú lắm", cô Lê Thị Thu Hồng, chủ nhiệm lớp kỹ năng 2, chia sẻ.
Ở trường vui lắm!
Để tạo nên một phiên chợ quê đậm chất, trước đó các giáo viên và học sinh tại trung tâm đã cùng đi chặt tre, hái lá, cắt cỏ, bện tranh, tự tay thực hiện các công đoạn dựng chợ, bày biện gian hàng. Những việc làm này đã cho các em trải nghiệm không khí rộn ràng của những ngày cận tết một cách chân thật nhất.
Anh Đặng Ngọc Thanh (phụ huynh của em Đặng Minh Tuấn) chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên cháu vào học tập tại trung tâm, về nhà cháu có khoe là ở trường vui lắm. Đưa con đi học, thấy trường trang trí chợ tết để các cháu trải nghiệm, tôi rất biết ơn sự quan tâm của nhà trường. Đây không chỉ là nơi để các cháu học tập mà còn là nơi để sinh hoạt cộng đồng, tiếp xúc, giao lưu, thực hành kỹ năng đã được học để hoàn thiện, hòa nhập với cộng đồng".
Bà Tô Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên, cho biết đây là năm đầu tiên trung tâm tổ chức tái hiện phiên chợ quê ngày xưa, tạo môi trường cho các em sinh hoạt kỹ năng.
"Nguồn thu từ việc bán hàng của phiên chợ sẽ được lì xì lại cho các em, tặng món quà nhỏ mừng tuổi mới, mừng năm mới cho học sinh. Dịp này trung tâm cũng phối hợp các đơn vị tình nguyện tổ chức gói bánh chưng tặng các em về nhà ăn tết", bà Hằng cho biết thêm.