Sau kỳ nghỉ tết dài ngày học sinh đi chơi nhiều hơn, ăn uống nhiều hơn, ngủ nhiều hơn… thì việc trở lại trường không như nghỉ vài ngày cuối tuần. Phần lớn học sinh có tâm trạng vẫn đang còn “xuân” nên không hẳn bắt nhịp ngay trong việc đến trường.
Với tâm trạng “vẫn còn tết”, một số học sinh sẽ cảm thấy uể oải khi đến trường, đánh thức học sinh dậy buổi sáng sớm có phần khó hơn ngày thường, nhất là những địa phương ở miền Bắc trong không khí lạnh, mưa gió.
Những ngày đầu năm sau nửa tháng nghỉ tết, trường lớp trên mọi miền đất nước lại rộn tiếng nói cười, “nhịp sống học đường” lại bắt đầu.
Chính vì thế, trong vài ngày cuối tuần khép lại kỳ nghỉ tết, để các con đến trường với tâm trạng thoải mái, hứng khởi thì cha mẹ hãy bắt nhịp cùng con.
Trong những ngày này, cha mẹ cùng con không nên đi chơi xa, hãy cùng con nghỉ ngơi nhiều hơn bên gia đình, giảm “nhiệt độ tết” để các con hướng tới ngày “tựu trường”.
Thời gian nghỉ tết, các con thường ngủ khuya hơn đồng nghĩa với việc dậy trễ hơn. Việc ngủ trễ hơn, dậy trễ hơn đã trở thành thói quen của hàng triệu học sinh trong khoảng nửa tháng qua.
Vì vậy, để con dễ bắt nhịp đến trường, cha mẹ cùng các con ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn. Khi nhịp thời gian trở lại gần như ngày thường, tâm trạng các con đón ngày mới, tuần mới đến với tâm trạng thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn.
Cha mẹ cũng có thể khuyên con nên dành ít thời gian xem lại nội dung bài học, chuẩn bị bài mới để tinh thần thoải mái cho ngày trở lại trường. Khi đến với thế giới sách vở, ít nhiều các con dễ bắt nhịp đến trường hơn.
Thực tế cho thấy, những việc làm đơn giản như vậy nhưng rất cần thiết, tạo tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái để học sinh trở lại trường sau tết.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh có cơ hội thoát khỏi kiến thức sách vở để tận hưởng niềm vui trọn vẹn ngày xuân. Đến thời điểm này, cha mẹ cũng không quên cùng con bắt nhịp đến trường sau tết.