Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có “khung” và có “mở”. “Khung” là nguyên tắc đầu tiên phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng định mức, đúng quy định trong chương trình. Còn “mở” ở chỗ các nhà trường được quyền thiết kế kế hoạch dạy học của mình, đưa một số nội dung vào, nhưng phải dùng chính định mức về đội ngũ của mình để thực hiện chứ không phải dùng lực lượng bên ngoài vào thực hiện.
Ví dụ, cô giáo A được giao dạy tiếng Việt và quy định 10 tiết/tuần nhưng tiết định mức của giáo viên (GV) tiểu học là 23 tiết/tuần. Nếu cô A mới dạy hết 20 tiết/tuần, thì 3 tiết còn thiếu cô A có thể đưa một số hoạt động giáo dục trải nghiệm, thực hành vào cho học sinh (HS) để đảm bảo các em nắm vững kiến thức đã học. 3 tiết trải nghiệm đó nằm trong định mức tiết dạy của GV đó.
Với tiểu học, Chương trình GDPT 2018 quy định dạy học 2 buổi trên ngày với số tiết bắt buộc thực hiện theo chương trình ấy là 7 tiết/ngày. Thực tế là với 7 tiết/ngày như vậy thì chưa sử dụng hết khung thời gian trong ngày của HS. Ví dụ buổi sáng 4 tiết thì kết thúc vào 10 giờ 30; buổi chiều 3 tiết thì kết thúc vào khoảng 15 giờ 30. Đó là những tiết chính khóa mà các trường dù thiết kế thế nào cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc, HS phải được đảm bảo học công bằng như nhau. Đó là nhiệm vụ của các trường.
Khi đã hoàn thành đủ 7 tiết/ngày mà GV vẫn chưa thực hiện hết các định mức giờ dạy thì lúc này các nhà trường phải thiết kế hoạt động tăng cường và phải dùng chính lực lượng của mình để thực hiện.
Như vậy, hoạt động tăng cường này có 2 tình huống: một là GV đang có trong định mức thì phải sử dụng hết định mức; hai là dạy học tăng cường theo nhu cầu của người học, ví dụ học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, thể dục, thể thao… Với tình huống dạy học tăng cường thứ hai này thì phải thiết kế theo nhu cầu của từng HS, chứ không được bố trí theo đơn vị lớp và phải dạy ngoài giờ học chính khóa. Chương trình thiết kế theo “khung” và “mở” là như thế.
Sắp xếp rất căng giữa cái chung và cái ngoài!
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cần phân biệt các tiết chính khóa theo quy định chương trình GDPT 2018 là những tiết “cứng”, còn “kia” (những nội dung môn học “tự nguyện” mà PV nhắc tới) là những hoạt động bổ trợ, bổ sung nội dung theo các đề án, cần xem xét chúng độc lập với nhau.
“Ngoài các tiết chính khóa, còn bổ sung chương trình nhà trường thêm, trong đó có bổ sung một số hoạt động liên quan kỹ năng, liên quan các đề án như tin học hoặc ngoại ngữ. Tuy nhiên việc sắp xếp rất là căng, giữa cái chung và cái ngoài, có những cái không thể tách biệt, độc lập được, tùy thực tế từng trường”, ông Nguyễn Bảo Quốc nói.
Thúy Hằng
GIỜ HỌC CHÍNH KHÓA LÀ QUYỀN LỢI “BẤT KHẢ XÂM PHẠM” CỦA HỌC SINH
Như vậy, có thể hiểu 7 tiết chính khóa đó là “bất khả xâm phạm”, tất cả các trường bắt buộc phải tuân thủ, dạy đúng dạy đủ để đảm bảo quyền lợi HS, không thể đưa các nội dung liên kết với bên ngoài vào dạy học và thu phí của người học?
Chính xác là như vậy. 7 tiết học đó là quyền lợi của HS phải được đảm bảo, tất cả các em đều phải được học như nhau.
Ở góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về việc các trường liên kết để dạy kỹ năng sống, dạy STEM trong giờ chính khóa cho HS tiểu học?
Như tôi đã nói, 7 tiết học bắt buộc mỗi ngày là quyền lợi của HS và các trường phải đảm bảo. Tuy nhiên, kỹ năng sống, STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của GV và nhà trường. Ví dụ, giờ học môn toán thì GV có nhiệm vụ lồng ghép STEM vào để dạy cho HS dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nếu nhà trường giao một đơn vị ở bên ngoài vào, dùng giờ học chính khóa để tổ chức giáo dục STEM và có thu phí của HS là sai.
Việc lồng ghép STEM vào các môn học chính là điều mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở thực hiện, yêu cầu GV các trường phải thực hiện nội dung giáo dục STEM trong các môn học chính khóa. Còn hoạt động trải nghiệm STEM thì sẽ hoạt động theo các câu lạc bộ ngoài giờ học, dựa trên nhu cầu của HS.
Việc quản lý theo khung chương trình thì đã có những cơ sở pháp lý và văn bản hướng dẫn rất rõ ràng. Còn về phần mở thì hiện đang được quản lý ra sao, thưa ông?
Thứ nhất, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 04 về việc quản lý giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ví dụ, đưa việc dạy tiếng Anh với người nước ngoài vào thì chương trình liên kết ấy phải được xem xét tính kế thừa, tính phù hợp của chương trình liên kết ấy với chương trình chính khóa của nhà trường như thế nào để tránh trường hợp HS phải học trùng lặp, vừa phải đóng phí vừa áp lực cho HS. Theo Thông tư 04 thì việc quản lý, thẩm định nội dung này là cơ quan quản lý cấp tỉnh. Như vậy, những nơi nào đang tiến hành dạy liên kết trong trường học thì đã có công cụ quản lý, giám sát. Nếu nơi nào làm sai, làm thiếu thì phải lên án và khắc phục ngay chỗ đó.
Qua các phản ánh gần đây, tôi hình dung là một số nhà trường làm sai quy trình, khi đưa các nội dung giáo dục liên kết vào thì chưa nói rõ các nội dung, hoạt động giáo dục ấy sẽ nằm ở đâu. Nếu xếp trong giờ học chính khóa thì chắc chắn là sai với quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 04. Những nội dung đó các cơ quan quản lý nhà nước ở tại nơi trường đóng phải tiến hành thanh tra, làm rõ.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 24 ngày 29.3.2021 quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, khoản 2, điều 6 có nêu trong quá trình triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường, nhà trường được quyền khảo sát và liên kết với lực lượng bên ngoài để đáp ứng nhu cầu của người học. Còn ở khoản 3, điều 7 của nghị định này thì quy định kinh phí được thu từ các hoạt động liên kết này thực hiện theo định mức thu của HĐND ở địa phương. Như vậy, HĐND ở địa bàn ấy phải có nghị quyết chuyên đề về những nội dung, chương trình nào thì được đưa vào trong trường học. Khoản 2, điều 18 của Nghị định 24 giao UBND cấp tỉnh khảo sát trên địa bàn để trình HĐND ban hành nghị quyết về danh mục các dịch vụ giáo dục được đưa vào nhà trường và khung giá là bao nhiêu.
Ví dụ hoạt động dạy tiếng Anh với người nước ngoài khi đưa vào nhà trường thì khung giá đó được làm bài bản sẽ giúp giảm chi phí tính vào học phí của người học so với việc HS học tại trung tâm bên ngoài. Chi phí về cơ sở vật chất sẽ được giảm do sử dụng ngay chính phòng học của nhà trường, công tác quản lý tổ chức của nhà trường.
Việc công bố các danh mục theo quy định của Nghị định 24 là nhằm quản lý để giảm chi phí thấp nhất cho người học khi đưa chương trình liên kết vào nhà trường. Nếu địa phương không quan tâm để làm việc này thì chưa làm hết vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, các nhà trường tự liên kết cũng có trách nhiệm song trùng.
Rà soát quá trình triển khai thực hiện
Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi các địa phương đề nghị báo cáo công tác quản lý nhà nước dựa vào các văn bản quy định nói trên cũng như rà soát xem trong quá trình triển khai thực hiện thì có vướng mắc gì, đề nghị bổ sung, sửa đổi gì không. Nếu Thông tư 04 sau gần 10 năm triển khai có những quy định không còn phù hợp thì đơn vị chức năng của Bộ sẽ có đánh giá và cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu Nghị định 24 của Chính phủ để nghiêm túc thực hiện nhằm quản lý và chấn chỉnh các nhà trường trong hoạt động liên kết giáo dục. Bộ sẽ dựa trên các báo cáo thực trạng quản lý, đề xuất của địa phương dựa trên các văn bản như Thông tư 04 và Nghị định 24 để có những chỉ đạo hoặc chỉnh sửa hoặc đề xuất chỉnh sửa quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn.