Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Em muốn học ngành logistics nhưng tại sao có trường thì cấp bằng cử nhân, có trường cấp bằng kỹ sư. Có phải là 2 chương trình đào tạo này khác nhau hay không?".
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Về 2 loại bằng cấp này, chúng ta ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục trước đây của Liên bang Xô Viết. Theo đó, bằng kỹ sư cấp cho người tốt nghiệp ĐH ở lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, học ít nhất 4,5 năm như cơ khí, công nghệ thông tin, chế tạo máy... Còn bằng cử nhân cấp cho sinh viên học các lĩnh vực còn lại như kinh tế, sư phạm… thường học trong vòng 3,5-4 năm”.
Theo tiến sĩ Nhân, hiện nay có một số ngành tồn tại cả 2 loại bằng này nếu nội dung ngành học đó có sự kết hợp giữa công nghệ, kỹ thuật và kinh doanh, quản lý, chẳng hạn logistics, hóa…
Đối với các ngành có nội dung thuần một lĩnh vực thì chỉ cấp một loại bằng, ví dụ học ngành cơ khí, tự động hóa… thì sẽ nhận bằng kỹ sư còn học ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng… nhận bằng cử nhân.
“Tại câu hỏi của em, nếu chương trình đào tạo ngành logistics thiên về kỹ thuật sẽ cấp bằng kỹ sư, thời gian đào tạo không tính môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất thì gồm 150 tín chỉ. Nếu thiên về quản trị, quản lý thì số lượng là 120 tín chỉ và cấp bằng cử nhân", tiến sĩ Nhân thông tin thêm.
Ngoài ra, một số trường còn xây dựng một ngành theo cả 2 hướng, đó là học 120 tín chỉ để cấp bằng cử nhân. Nếu sinh viên đã lấy bằng cử nhân mà muốn lấy bằng kỹ sư thì học thêm 30 tín chỉ trong vòng một năm. Vì theo quy định, bằng kỹ sư tương đương bậc 7 (thạc sĩ) trong khung trình độ 8 bậc của quốc gia, trong khi bằng cử nhân là tương đương bậc 6.