Người bệnh T.T.H. (62 tuổi) bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng do lên cơn hen phế quản ác tính vừa được Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cấp cứu thành công.
Người bệnh có tiền sử hen phế quản, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng khó thở nhiều, kích thích vật vã, tím môi đầu chi, tim đập rời rạc, huyết áp tụt, phổi thông khí kém, nồng độ oxy trong máu đo qua da (SpO2) 50-55%.
Tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, người bệnh được chẩn đoán bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng do lên cơn hen phế quản ác tính. Ngay lập tức, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu: bóp bóng hỗ trợ hô hấp, đặt ống nội khí quản, thở máy, thuốc vận mạch, giãn phế quản, corticoid.
Sau 20 phút cấp cứu, người bệnh da hồng trở lại, mạch huyết áp ổn định hơn, tiếp tục được hồi sức tích cực bằng thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, giãn phế quản, chống viêm, kháng sinh. Hiện, sau 1 ngày điều trị, người bệnh tỉnh hoàn toàn, cai máy thở, rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy.
Theo BSCKI. Trần Ngọc Lương, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, người có tiền sử hen phế quản cần: luôn mang theo thuốc xịt giãn phế quản trong người để đề phòng cơn hen có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt vào thời gian giao mùa, khi thời tiết trở lạnh; cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen như: khói thuốc, khói than củi, tránh lạnh bụi ẩm, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác như lông thú nuôi, mạt nhà, phấn hoa, ẩm mốc…; khám bệnh định kỳ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; tập thể dục, thể thao, ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe; khi xuất hiện cơn khó thở, cơn hen nặng nguy kịch cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...