Những ngày qua, người dân khắp các xã, phường tại TP.Đà Nẵng mang súng đạn, hung khí… hay còn gọi là "hàng nóng, hàng lạnh" đến giao nộp cho cơ quan chức năng. Trong đó, không ít người thuộc diện "bất hảo" ở địa phương cũng tự nguyện giã từ mã tấu, kiếm Nhật, đao tự chế, dao phóng lợn, giáo, mác…
Từ cuối tháng 4.2024, Công an TP.Đà Nẵng ra quân thực hiện cao điểm tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp, cũng như đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mỗi phường, xã thành lập 2 điểm tiếp nhận.
Trung tá Trần Công Toàn, Phó phòng Tham mưu Công an TP.Đà Nẵng, cho biết công an các đơn vị, địa phương đã lập 130 điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; làm việc kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đến nay, chương trình đã thật sự phát huy hiệu quả khi rà soát, lập danh sách, kiểm danh, kiểm diện 521 đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ hoặc có biểu hiện, nghi vấn vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Các điểm này đã thu hồi hàng ngàn món vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong cộng đồng, khám phá 7/8 vụ vi phạm pháp luật, đặc biệt là phối hợp Công an TP.HCM làm rõ 7 nghi phạm trong chuyên án về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các sáng kiến như đổi "hàng nóng, hàng lạnh" lấy bình PCCC hay các phần quà để khuyến khích người dân; đồng thời tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nội dung đổi mới, tập trung đúng các đối tượng trong diện nguy cơ cao.
100% tổ dân phố, thôn và 100% cơ sở kinh doanh phế liệu, cơ khí, hàn gò cũng đã ký cam kết không để tồn tại hoặc tiếp tay chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xử lý nghiêm các chủ cơ sở này nếu vi phạm.
Tuy nhiên, Công an TP.Đà Nẵng nhận thấy còn một số tổ dân phố, thôn chưa hoàn thành ký cam kết cho các đối tượng quản lý; chưa công khai hóa các đối tượng nghi vấn vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Số vụ thanh thiếu niên phạm pháp về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chiếm tỷ lệ cao, nhất là tình trạng hỗn chiến, gây rối, cố ý gây thương tích…
CẢM HÓA, GIÁO DỤC
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết thực tế số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong cộng đồng còn nhiều, là mầm mống nguy cơ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, cần mở đợt cao điểm để thu hồi. Bên cạnh việc khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, nét mới của Công an TP.Đà Nẵng trong chiến dịch lần này là công khai 100% các đối tượng thuộc diện công an quản lý nghiệp vụ, có biểu hiện vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho gia đình, tổ dân phố (bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng thôn) và mọi người biết để phối hợp, đồng hành cùng lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương có hình thức quản lý, giám sát, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho rằng chỉ đạo về "công khai hóa" các đối tượng liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở khu dân cư là ý tưởng, sáng kiến mới của Công an TP.Đà Nẵng so với các địa phương khác, nhằm huy động đồng bộ các thành phần, sức mạnh trong cộng đồng, cùng với gia đình ngăn ngừa các hiểm họa này từ gốc.
Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, nhấn mạnh thêm: "Yêu cầu công an các địa phương rà soát, báo cáo thực chất số liệu đối tượng có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là thanh thiếu niên. Trưởng công an phường, xã chịu trách nhiệm về tính xác thực của số liệu và Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng sẽ kiểm tra tính xác thực trên".
Trung tá Cao Lê Duy Hùng, Trưởng công an P.Thuận Phước (Q.Hải Châu), cho biết việc công khai 100% thanh thiếu niên được triển khai ở địa phương với nhiều hình thức nhằm kiềm chế, ngăn ngừa sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nhưng chủ trương là đảm bảo sự tế nhị và mục đích lớn nhất nhằm cảm hóa, giáo dục các đối tượng.
Đối với người trên 18 tuổi có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu, công an phường phối hợp các đơn vị quản lý nghiệp vụ. Đối với người dưới 18 tuổi, Chủ tịch UBND phường giao nhiệm vụ cụ thể cho công an, bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó, các hội đoàn thể, mặt trận, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… vừa giám sát vừa giúp đỡ, quản lý, giáo dục phòng ngừa các thiếu niên sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
"Những người dân có uy tín, có tác động đến thiếu niên ở khu dân cư cũng có thể tham gia để kèm cặp, thăm hỏi, kịp thời uốn nắn các biểu hiện; các doanh nghiệp tạo điều kiện dạy nghề, giải quyết việc làm để thanh thiếu niên sớm hướng thiện", trung tá Cao Lê Duy Hùng nói.
Đối với tội phạm đường phố, các lực lượng 911, tuần tra đêm, CSGT - trật tự cũng tăng cường tuần tra, chốt chặn, kiểm soát trên đường phố, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống camera để ngăn chặn thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy phóng nhanh, gây rối, hỗn chiến. Đáng chú ý, Công an TP.Đà Nẵng chỉ đạo tập trung xử lý nghiêm hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xử lý cả người mua bán, cung cấp, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp tay cho thanh thiếu niên vi phạm.
Quý 1/2024, trên địa bàn TP.Đà Nẵng, tình hình các nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối giảm 42,9% so với cùng kỳ 2023. Cơ quan chức năng rà soát, quản lý để răn đe, phòng ngừa đối với 771 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có nguy cơ tái phạm; 289 cơ sở, cá nhân có khả năng sản xuất, chế tạo, vận chuyển, tàng trữ, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.