
Cơ hội ở lại làm việc có tăng cao trong bối cảnh du học sinh đến Canada giảm là thắc mắc của nhiều người học
ẢNH: CONFEDERATION COLLEGE
Canada ra mắt lộ trình định cư mới
Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội thảo du học Canada do Công ty tư vấn du học NEEC tổ chức ngày 23.2 tại TP.HCM, thạc sĩ Miriam Wall, Trưởng khoa Giáo dục quốc tế của Confederation College (Ontario, Canada), cho biết các trường đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các quy định mới của chính phủ nước này. Riêng Confederation College bị cắt giảm khá ít, theo bà Wall, vì được chính quyền địa phương ủng hộ.
"Chúng tôi không áp hạn ngạch tuyển sinh với từng quốc gia mà xét duyệt theo tiêu chí ai tới trước được phục vụ trước. Đó phải là những sinh viên giỏi, có sự chuẩn bị để học ở Canada. Riêng số du học sinh Việt đang tăng lên trong những năm gần đây", nữ trưởng khoa thông tin, lưu ý thêm khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tiếng Anh là thử thách lớn nhất với người Việt khi lần đầu đến trường.
Một vấn đề được nhiều gia đình quan tâm là trong thời gian tới, cơ hội định cư ở Canada có tăng hơn trong bối cảnh số lượng sinh viên quốc tế đến nước này trong đà giảm? Bà Wall nhận định, đây là vấn đề khó trả lời, song có một điều không thể phủ nhận là chính phủ Canada đang ra mắt nhiều lộ trình định cư mới ngay trong đầu năm 2025 để thu hút người nước ngoài đến sinh sống ở những vùng thưa dân và cộng đồng Pháp ngữ.
Trong số đó, nổi bật nhất là Chương trình thí điểm nhập cư cộng đồng nông thôn (RCIP), với điểm khác biệt là không yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm việc nếu họ từng theo học chương trình đào tạo có thời lượng tối thiểu hai năm. Tổng cộng, 14 thành phố được chọn tham gia RCIP và Thunder Bay nơi Confederation College tọa lạc là một trong số đó, theo tin do Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) công bố hôm 30.1.

Thạc sĩ Miriam Wall, Trưởng khoa Giáo dục quốc tế của Confederation College
ẢNH: NGỌC LONG
"Thunder Bay được cấp 400 suất RCIP trong 2025. Ngoài ra, thành phố cũng được cấp 200 suất theo một chương trình thí điểm nhập cư khác và chúng tôi đang chờ thêm thông tin chi tiết. Cơ hội ở lại Canada đang mở rộng với những bạn biết nắm bắt cơ hội và tận dụng các tài nguyên từ đơn vị đào tạo", thạc sĩ Wall khuyên, đồng thời nhấn mạnh không có bất kỳ ĐH, CĐ nào cam kết giúp du học sinh có suất định cư sau khi tốt nghiệp.
Du học sinh nên chuẩn bị gì?
Trong bối cảnh Canada liên tục thay đổi chính sách theo hướng thắt chặt visa du học và cắt giảm người nhập cư, bà Đào Nhật Mai, Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học NEEC, nhận định xu hướng hiện tại của một số gia đình là "nhảy" sang thị trường Mỹ, nơi vẫn duy trì các quy định "dễ thở". "Chính sách của Tổng thống Donald Trump chỉ ảnh hưởng tới những trường hợp đến Mỹ bất hợp pháp", bà Mai nhấn mạnh.
Còn ở Canada, trong bối cảnh giới hạn du học sinh và nhiều trường ĐH, CĐ nâng chuẩn đầu vào, nhiều người học không còn mang tâm thế thoải mái chọn ngành như trước mà phải nghiên cứu danh sách gần 1.000 chương trình đào tạo được phép ở lại làm việc sau tốt nghiệp. "Nhóm ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe và công nghệ kỹ thuật đang là những lựa chọn được người Việt quan tâm nhiều nhất", bà Mai thông tin.
Nữ giám đốc nhận định, trong bối cảnh số du học sinh tới Canada giảm, số suất định cư cũng sẽ giảm tương ứng chứ không tăng hay giữ nguyên vì mục tiêu của chính phủ nước này trong giai đoạn hiện tại là giảm lượng người nhập cư. "Bức tranh tổng thể đã không còn 'dễ' như lúc trước nên điều tiên quyết là các bạn phải xác định rõ đam mê, sở trường và có chiến lược chọn ngành, chọn trường phù hợp nếu muốn định cư", bà Mai khuyên.
Còn thạc sĩ Bùi Thị Thúy Ngọc, từng làm việc ở Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM và có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn du học Canada, khuyên du học sinh không chỉ giới hạn ở trường hay ngành học mà còn phải tìm hiểu kỹ địa phương mình dự định đến học. Bởi lẽ có những thành phố chi phí sinh hoạt đắt đỏ tới mức chính công dân Canada cũng không muốn đến sống.

Thạc sĩ Bùi Thị Thúy Ngọc tư vấn cho phụ huynh, học sinh
ẢNH: NGỌC LONG
Ngược lại dù cùng một tỉnh bang, nhiều thành phố có chi phí ăn ở chỉ bằng một nửa, lại được chính quyền ưu ái đưa vào nhiều chương trình định cư khác nhau, từ cấp liên bang tới tỉnh bang. Bà Ngọc nêu ví dụ, trong cùng tỉnh bang Ontario, tổng chi phí mỗi tháng ở TP.Toronto là 1.800 CAD (32 triệu đồng), và con số này với TP.Thunder Bay cách đó khoảng 1 giờ 30 phút bay là 900 CAD (16 triệu đồng).
"Như vậy, tổng chi phí một năm khi học ở TP.Thunder Bay, bao gồm cả học phí, rơi vào khoảng 514 tới 536 triệu đồng. Đây là con số rất cạnh tranh và chưa tính học bổng", bà Ngọc thông tin.
"Canada luôn cần du học sinh và đây là thực tế có khả năng không thay đổi trong mười năm tới. Hiện, số lượng du học sinh cũng đang chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên theo học các chương trình CĐ, ĐH, sau ĐH. Một điều đáng quan tâm khác là chính sách giới hạn tuyển sinh gần như chỉ áp dụng cho các thành phố lớn, trung tâm, và đặc biệt là các trường CĐ, ĐH tư thục", thạc sĩ Ngọc trấn an người học trước những thông tin thắt chặt từ chính phủ nước này trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo từ IRCC, Canada thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến học trong năm 2023. Thống kê của IRCC cũng cho thấy tổng số người Việt học tập tại Canada từng có xu hướng giảm liên tục, từ 21.480 người vào 2019, đến 2022 chỉ còn 16.140 người. Đến 2023, du học sinh Việt tại Canada tăng nhẹ, lên 17.175 người và đứng thứ 8 về số lượng. Với bậc cử nhân, chi phí mỗi năm vào khoảng 36.000 CAD (626 triệu đồng).