Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho hay dự án này do Tổ chức Saigon Children's Charity (CIO) phối hợp hỗ trợ và được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 12.2024, với mục đích là hướng đến việc nâng cao hiệu quả can thiệp và trợ giúp cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, tập trung vào lĩnh vực giáo dục.
Dự kiến, dự án sẽ được triển khai cho đến tháng 6.2028 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 8,5 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, trao hoa cho ông Damien Roberts, Giám đốc điều hành Tổ chức Saigon Children's Charity
ẢNH: T.N
Về mục tiêu cụ thể, dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng các lớp học xóa mù chữ, lớp dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường và lớp dành cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là tại các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên và người chăm sóc trẻ tại các lớp học này sẽ được nâng cao kiến thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, dự án sẽ triển khai các gói hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế của từng trẻ và gia đình, nhằm hạn chế tình trạng các em phải nghỉ học để kiếm sống hoặc bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
Dự án đặt ra kết quả cụ thể mỗi năm có ít nhất 300 trẻ em tại các lớp học dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ khuyết tật trên địa bàn TP.HCM được hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng thường xuyên, ít nhất 270 - 300 trẻ được hỗ trợ bảo hiểm y tế, ít nhất 80 trẻ được hỗ trợ về chi phí học tập, trang thiết bị, phương tiện học tập, đồng phục. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tập huấn cho 40 - 50 giáo viên và người chăm sóc trẻ nhằm nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em hằng năm, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 15 - 20 giáo viên và người chăm sóc trẻ...
Phát biểu tại sự kiện, ông Damien Roberts, Giám đốc điều hành Tổ chức Saigon Children's Charity (SIO), nhấn mạnh rằng mỗi ngày, trên khắp Việt Nam, vẫn còn nhiều trẻ em tài năng, có tiềm năng trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân hoặc giáo viên. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nghèo khó, các em phải từ bỏ ước mơ và tương lai của mình. Đây không chỉ là mất mát đối với cá nhân các em mà còn là tổn thất chung cho cả đất nước.
Ông Damien cho rằng giáo dục giúp trẻ em trở thành những công dân tự lập, đóng góp tích cực cho nền kinh tế (như thông qua đóng thuế và giúp gia đình thoát khỏi khó khăn). Đặc biệt, tại SIO, những trẻ được hỗ trợ vào đại học thường có mức thu nhập khởi điểm cao gấp 5 lần thu nhập của cha mẹ.
Với dự án lần này, ông hy vọng mỗi trẻ em tiếp tục đi học sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời theo hướng tích cực, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng. Ông cũng cam kết đồng hành cùng TP.HCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM trong các hoạt động trong tương lai.
Điều 10 của luật Trẻ em năm 2016 định nghĩa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ mồ côi không còn cha mẹ hoặc không biết cha mẹ là ai; trẻ bị bỏ rơi không có người thân chăm sóc; trẻ khuyết tật; trẻ bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động; trẻ phải làm việc xa gia đình, sống lang thang, không nơi nương tựa...