Góp ý dự luật, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, cho rằng theo bộ luật Lao động, độ tuổi tối thiểu của lao động là đủ 15 tuổi, có đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Mỗi năm cả nước có hơn 400.000 người ở độ tuổi 15 tham gia học nghề hoặc lao động tự do, hơn 1 triệu học sinh vào lớp 10. Dự thảo luật không cho phép người 15 tuổi sử dụng xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho các em khi đi làm việc, đến trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe máy tới trường, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng nên bổ sung sát hạch, cấp bằng lái hạng AM (bằng lái xe dưới 50 cc) cho người từ 15 tuổi khi sử dụng xe gắn máy. Khi đủ tuổi cấp giấy phép lái xe hạng A1, người đã được cấp giấy phép hạng AM chỉ cần kiểm tra thực hành.
Đại diện Hiệp hội Ô tô, xe máy, xe đạp VN cũng đồng quan điểm, cho rằng học sinh 15 tuổi về cơ bản đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Việc hạ tuổi người được điều khiển xe gắn máy đủ 15 tuổi là khả thi và phù hợp với thực tế.
Người 15 tuổi đủ khả năng điều khiển xe máy
Nêu căn cứ thực tế lẫn luật định, nhiều bạn đọc (BĐ) đồng tình với quan điểm trên. "Rất ủng hộ đề xuất này. Cần phải hiểu là không thể cấm việc đi xe máy ở lứa tuổi này vì các em còn đi học. Nên cho các em học lấy bằng là tốt nhất", BĐ Thẳng Thắn bày tỏ.
BĐ Kinh Luan quan sát trên bình diện hình thể, sức khỏe: "Trẻ em ngày nay thể trạng tốt, nhiều em 15 tuổi làm chủ được chiếc xe máy. Ở các thành phố lớn, không khó để thấy cảnh nhiều học sinh chưa đủ 18 tuổi chạy xe máy trên 50 phân khối đi học. Thực tế như vậy thì cần phải đưa nhóm tuổi này vào quy định cấp bằng lái xe".
Dẫn chứng bộ luật Lao động về việc người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được giao kết hợp đồng lao động với điều kiện phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, BĐ Lam Nguyen nhấn mạnh: "Điều này cho thấy người từ 15 tuổi đã đủ sức khỏe rồi, tại sao không cho thi lấy giấy phép lái xe máy. Nếu thi đậu, nghĩa là người từ 15 tuổi hoàn toàn đủ khả năng điều khiển xe máy".
Trong khi đó, BĐ Hoa Hồng nhìn nhận công ước quốc tế đã quy định về việc chạy xe máy phải có bằng AM thì quốc gia thành viên nên tuân thủ: "Điều gì các nước đã làm và được quy định trong công ước quốc tế mà VN tham gia thì chúng ta nên luật hóa, để thể hiện cam kết đã ký, phù hợp chung với thế giới".
Cần nâng cao ý thức an toàn giao thông
Một số ý kiến băn khoăn về việc sát hạch, cấp thêm một hạng bằng lái sẽ gây tốn kém. Do đó, theo BĐ Khoa: "Xe máy là phương tiện phổ biến ở nước ta. Việc cho người dân thi và cấp giấy phép lái xe ở tuổi 15 để điều khiển xe 50 cc là hợp lý. Tuy nhiên, khi họ đã điều khiển phương tiện quen, đến khi 18 tuổi thì phải tự động đổi sang hạng A. Làm như thế đỡ tốn kém chi phí thi cử thêm lần nữa vì thực chất xe 50 cc và 125 cc không có khác biệt nhiều".
Bên cạnh đó, BĐ cho rằng ngoài sự xác nhận về mặt giấy tờ là giấy phép lái xe hạng AM, nhóm tuổi này cần được nâng cao ý thức về an toàn giao thông. "Cần giáo dục kỹ về an toàn giao thông, xử lý tình huống thực tế cho trẻ 15 tuổi đồng thời với quá trình sát hạch để nhận bằng. Chứ có bằng lái mà phóng ẩu trên đường, gây tai nạn cho mình và người khác thì không biết phải nói gì nữa", BĐ Hung985 bình luận.
Đồng thuận với đề nghị này, BĐ Thảo Huỳnh khẳng định: "Ý thức điều khiển phương tiện cho đúng luật giao thông mới là quan trọng. Từ xưa đến nay chạy loại xe máy dưới 50 cc đâu cần bằng lái mà nhiều người điều khiển phương tiện vẫn giữ an toàn. Thiết nghĩ nên cho học sinh học luật giao thông trong nhà trường và đây là một môn học có thi nghiêm chỉnh".
"Trước đây đâu có xe máy điện hay nhiều loại xe 50 cc xịn để các gia đình dễ dàng mua cho con đi học. Trẻ em đa phần cũng thấp bé không cao lớn như bây giờ. Thực tế cuộc sống như vậy thì luật định về việc cấp bằng lái xe cho lứa tuổi học sinh cũng phải điều chỉnh cho phù hợp", BĐ Ngythao232 nhận định.