Bên cạnh đó, 2 tuyến cao tốc dài tổng cộng 200 km nhưng không có trạm dừng chân. Chủ một doanh nghiệp trúng thầu làm trạm dừng chân ở đoạn qua H.Hàm Tân (Bình Thuận) cho biết đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xác định chính xác vị trí trạm dừng. Ngoài ra, việc thi công các gói thầu phụ vẫn chưa hoàn chỉnh dù 2 tuyến cao tốc đã đi vào hoạt động gần 3 tháng. Một số đoạn hàng rào an toàn của cao tốc được mở ra để công nhân ra vào nhưng khi hết sử dụng không rào lại.
Mới đây, người dân gửi cho PV Thanh Niên đoạn clip ghi hình ảnh CSGT phải dừng xe đặc chủng giữa đường để cùng người điều khiển ô tô “lùa” đàn bò vào lề đường khi chúng đi lạc vào cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Cần giải pháp tránh xung đột luồng xe
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết khi lưu thông vào 2 tuyến cao tốc này đã nhận ra những điểm bất hợp lý. BĐ Phan Thiet hiến kế cách xử lý xung đột ở nút giao Ba Bàu: “Nên xây cầu vượt ở nút giao Ba Bàu ra QL1 ngay cây xăng Km14 nhằm tránh kẹt xe, đồng thời để lượng xe đổ về Phan Thiết từ hướng TP.HCM băng ngang QL1 được an toàn tối đa”.
Cùng quan điểm, BĐ ở địa chỉ email duongvanquoc…@gmail.com nêu cụ thể: “Đoạn cao tốc giao với QL1 phải xây cầu vượt hoặc hầm chui. Đường lên xuống cao tốc không phù hợp nên xảy ra xung đột giữa xe lên và xe xuống, dẫn đến kẹt hàng dài. Phải xây dựng một nhánh xuống mới, đặt trước cầu vượt để xe từ cao tốc ra không xung đột với xe vào cao tốc”.
“Để giảm bớt áp lực xe lên xuống ở lối ra nút giao khu vực Hàm Kiệm, theo tôi nên mở thêm lối ra đường 707 hướng về ga Bình Thuận, đi Phan Thiết. Như vậy sẽ vừa giảm tải rất nhiều cho nút giao, vừa tạo điều kiện phát triển khu vực xung quanh”, BĐ yUHB bổ sung.
Về tình trạng mất an toàn liên quan hàng rào cao tốc, BĐ Quoc Chuong đề nghị: “Cần phải đóng kín hàng rào cao tốc lại ngay. Tôi vừa từ TP.HCM đi Mũi Né theo cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, dọc đường thấy nhiều đoạn hàng rào ngăn bị dỡ ra. Như vậy, từ đường dân sinh hoặc khu vực nhà ở, trồng trọt của người dân có thể dễ dàng đi vào cao tốc. Người hay xe từ bên ngoài mà chen vào làn xe đang chạy tốc độ cao bên trong thì vô cùng nguy hiểm”.
Để người dân đi lại nhanh chóng, thuận lợi
BĐ cho rằng các đơn vị liên quan cần sớm điều chỉnh những điểm hạn chế để 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây vận hành hiệu quả, an toàn.
Đối với hạng mục trạm dừng chân trên 2 tuyến cao tốc này, BĐ kiến nghị xây dựng ngay. “Ai từng đi trên tuyến cao tốc này mới thấu hiểu sự bức bách, cần lắm những trạm dừng, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đáp ứng nhu cầu lúc cần thiết của người dân”, BĐ IQ4 bày tỏ.
Việc thông xe 2 tuyến cao tốc này rất thuận lợi cho việc di chuyển từ TP.HCM đi Bình Thuận, Ninh Thuận, nên những điểm hạn chế mong sớm được khắc phục.
Hieuvo
Cần nhanh chóng điều chỉnh những bất cập, đang kỳ nghỉ hè, giao thông trên tuyến cao tốc này rất đông.
Tuyen
Xây dựng cao tốc mà thiếu an toàn như thế thì rất nguy hiểm. Mong nhà thầu sớm kiện toàn lại hàng rào bảo vệ.
Nguyễn Thu
Tài xế và hành khách cần nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Cần triển khai trạm dừng chân liền, đường thì phải gắn liền với trạm, khỏi phải bàn.
Nguyễn Chí Hải
“Trạm dừng chân là hạng mục vô cùng quan trọng, phải làm ngay lúc này. Trạm dừng vừa gia tăng nguồn thu cho cao tốc vừa giải quyết nhu cầu của hành khách, vừa giúp quảng bá các đặc sản địa phương”, BĐ Lý Vĩnh khẳng định.
BĐ Huy Nguyễn nêu ý kiến: “Công trình giao thông quốc gia mới đưa vào sử dụng mà thiết kế để xảy ra ùn ứ, tắc nghẽn giao thông như vậy thì phải xem xét lại và sửa chữa”. BĐ Thắng Nguyễn đồng tình: “Đi cao tốc mà chậm hơn cả đi theo QL1. Cần xem xét lại việc thiết kế, thi công các tuyến cao tốc này và có phương án xử lý phù hợp cho việc đi lại của người dân”.
“Việc xây dựng cao tốc có thể làm kiểu cuốn chiếu, từng thành phần là chuyện của nhà đầu tư, nhưng việc lưu thông nhanh chóng, an toàn là nhu cầu cấp thiết của người dân, không thể trì hoãn. Hạng mục nào thiếu thì tiếp tục xây dựng, khâu nào chưa tối ưu thì hãy chỉnh sửa sớm, xin đừng để dân đợi lâu”, BĐ Hopeland yêu cầu.