Thông tin nhiều lãnh đạo quận ở TP.HCM “than khó” trong việc quản lý, lập trật tự vỉa hè khiến nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên ngạc nhiên, bởi chính quyền gồm đủ lực lượng từ công an đến trật tự đô thị..., nắm chi tiết từng hộ dân, từng đoạn vỉa hè thì làm sao các hộ kinh doanh có thể đối phó...
Cụ thể, như Thanh Niên thông tin, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của TP.HCM về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự lòng đường, vỉa hè hôm 20.7, lãnh đạo một số quận thừa nhận “gặp khó khăn” vì áp lực, sự đối phó của các hộ kinh doanh và các chủ phương tiện. Bình luận về lời than của lãnh đạo quận, bạn đọc (BĐ) Hai Van (TP.HCM) nhận xét: “Chính quyền mà than bị áp lực từ các hộ kinh doanh thì… bó tay”. Đồng tình, BĐ Đặng Thanh Vũ (TP.HCM) nói thẳng: “Cái gì làm cũng than khó. Chuyện gì cũng dễ thì người dân cần gì đến các anh làm?”.
Tư duy vậy sao có được thành phố văn minh?
BĐ Huân Phạm (TP.HCM) viết: “Làm quản lý có đầy đủ công cụ, phương tiện pháp lý trong tay mà các ông than khó thì không bao giờ giúp được TP này trở thành TP văn minh”. Trong khi đó, BĐ Nam (Hà Nội) đồng ý đúng là quá khó, nhưng khó là vì: “Làm thì đụng chén cơm của bao nhiêu người, cả những người có thế lực. Không làm thì cả TP nhếch nhác, kém văn minh”. Cũng BĐ Nam nhận xét: “Nếu không kiên quyết thì muôn đời chẳng dẹp được”.
Rất nhiều BĐ nhớ đến một giai đoạn “kiên quyết” với sự xuất hiện của ông Đoàn Ngọc Hải, khi đó là Phó chủ tịch UBND Q.1. BĐ Lâm Thanh (Bình Dương) viết: “Cách làm của ông Hải là cứ đi kiểm tra đột xuất, bất kể giờ giấc, không cần lịch trình. Kết quả là lòng, lề đường ở Q.1 trở lại thông thoáng”. Nhiều BĐ cho rằng như vậy đâu có nghĩa là không thể quản lý được vỉa hè, vì thực tế đã chứng minh nếu công tác này thực hiện thường xuyên, quyết liệt… thì hiệu quả thấy rõ.
Phải hành động ngay thôi!
Mặc dù vậy, cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải vẫn còn gây tranh cãi. “Cách làm của ông Hải có lúc bị phản ứng vì cào bằng tất cả các hộ giàu, nghèo. Chúng ta cần phải khéo léo phân loại. Nên chăng cộng thêm thuế theo doanh thu, lượng khách đông nếu có lấn chiếm vỉa hè?”, BĐ Nam (TP.HCM) góp ý. Một BĐ ở TP.HCM thì hiến kế: “Không giải quyết cái gốc thì cái ngọn vẫn cứ đâm nhánh thôi. Sao không biến nhiều tuyến phố thành phố đi bộ bằng cách tập trung xây dựng một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi đến nỗi người dân ra đường là thấy phương tiện cá nhân phiền phức hơn hẳn phương tiện công cộng. Lúc đó tự khắc khỏi cần phải đi dẹp vỉa hè”.
Nhiều BĐ nhận xét chỉ cần bỏ thời gian khoảng 1 - 2 ngày đi một vòng các quận, huyện trong TP.HCM là thấy ngay tình hình lấn chiếm vỉa hè đang trở lại nghiêm trọng như thế nào. BĐ cũng đề nghị cứ cách chức bí thư, chủ tịch, trưởng công an của địa bàn nào để xảy ra vi phạm là mọi việc đều “dễ” hết. Có BĐ còn đề nghị “truy tố luôn” nếu phát hiện địa phương nào có dấu hiệu “tổ chức bảo kê thu phí” những người buôn bán, lập bãi xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... “Phải hành động ngay thôi”, BĐ Châu (TP.HCM) nói.
- Ở nước ngoài làm được sao ta không làm được? Thanh (Tuyên Quang) - Muốn dẹp được vỉa hè phải là người có tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lê Mạnh Hùng (TP.HCM) |