Điều này cũng khiến một số tài xế thắc mắc tại sao nhà sản xuất không thiết kế bàn đạp chân phanh và chân ga trên ô tô có độ cao bằng nhau (!?) Thực tế, đây là chủ ý của nhà sản xuất sau quá trình khảo sát, nghiên cứu để chế tạo ô tô. Việc bàn đạp chân phanh trên ô tô luôn được thiết kế cao hơn so với bàn đạp ga nhằm tạo sự thoải mái cho tư thế ngồi của người lái, bên cạnh đó còn góp phần đảm bảo an toàn cũng như yếu tố công thái học.
An toàn là yếu tố đầu tiên được các nhà sản xuất quan tâm khi nghiên cứu, chế tạo nên một chiếc ô tô. Việc bàn đạp chân phanh thiết kế cao hơn bàn đạp ga cũng nhằm mục đích đảm bảo an toàn. Vị trí bàn đạp phanh cao hơn giúp hạn chế và tránh tình trạng người lái vô tình đạp nhầm chân ga khi thao tác, nhất là trong các tình huống khẩn cấp, cần sự dứt khoát. Nếu cả hai bàn đạp chân ga và phanh có cùng độ cao, trong một số tình huống người lái xe dù chủ ý đạp phanh để giảm tốc độ nhưng có thể vô tình đạp nhầm bàn đạp ga.
Về công thái học, theo các nhà sản xuất việc bàn đạp chân phanh cao hơn bàn đạp ga cho phép người lái đặt chân tự nhiên hơn. Thao tác dùng chân tác dụng lực lên bàn đạp phanh cũng dễ dàng hơn và không cần dùng quá nhiều lực. Bên cạnh đó cũng sẽ khiến người lái cảm thấy dễ chịu hơn khi gác chân lên bàn đạp liên tục trong thời gian dài.
Ngoài ra, trong quá trình lái xe người lái cần dùng chân phải để điều khiển cả bàn đạp ga và chân phanh. Theo nguyên tắc "không ga thì qua phanh" tức nếu không cần thiết phải "nhồi" thêm ga cho xe di chuyển, người lái nên đặt bàn chân lên bàn đạp phanh. Việc đặt chân lên bàn đạp phanh thường xuyên sẽ dễ dàng hơn so với việc đặt chân lên bàn đạp ga. Điều này cũng giúp tránh việc người lái vô tình đạp lên bàn đạp ga khiến xe tăng tốc ngoài ý muốn.
Do đó, vị trí bàn đạp chân phanh luôn được thiết kế cao hơn so với bàn đạp ga là cách bố trí an toàn để ngăn chặn tình trạng tăng tốc đột ngột, qua đó góp phần giúp tài xế lái xe an toàn hơn.