Cụ thể, Toyota Raize gặp vấn đề lớn khi thử nghiệm va chạm cấu trúc khung xe. Ở tốc độ thử nghiệm va chạm vào khoảng 64 km/giờ, cấu trúc khung xe quá yếu của xe chỉ bảo vệ ngực của người lái ở mức tối thiểu. Khi thử nghiệm va chạm ngang bên hông xe ở tốc độ khoảng 50 km/giờ, những hư hại nghiêm trọng ăn sâu vào khoang cabin, có thể gây thương tích nặng cho hành khách trong xe. Theo báo cáo cuối cùng của Latin NCAP, kết cấu khung xe Toyota Raize tỏ ra kém ổn định khi va chạm trực diện.
Thậm chí, mẫu xe này còn không được chấm điểm nào ở bài kiểm tra khả năng bảo vệ đầu hành khách khi va chạm cột bên vì thiếu cột bảo vệ bên hông tiêu chuẩn cũng như thiếu cả túi khí rèm bảo vệ đầu.
Ở một số thị trường khác, Toyota Raize được trang bị công nghệ an toàn chủ động Toyota Safety Sense nhưng tại các thị trường trong khu vực Mỹ Latin lại không được trang bị gói an toàn này. Do đó càng khiến cho mẫu SUV hạng A mất điểm trầm trọng hơn.
Kết quả chung cuộc, Toyota Raize chỉ đạt 41% điểm bảo vệ người lớn, 72% điểm bảo vệ trẻ em và 59% điểm bảo vệ người đi bộ, đạt 58% về các tính năng, hỗ trợ an toàn. Ông Stephan Brodziak, Chủ tịch Latin NCAP cũng bày tỏ sự thất vọng về Toyota khi thương hiệu này phân phối các mẫu xe có độ an toàn thấp, chất lượng kém như Raize cho các thị trường khu vực Latin NCAP. Vị lãnh đạo của Latin NCAP cũng kêu gọi các nhà sản xuất xem xét lại chiến lược an toàn và đánh giá lại các dòng xe của họ.
"Latin NCAP kêu gọi Toyota cần thay đổi cách tiếp cận, nâng cao các tính năng an toàn cơ bản trên xe và để Latin NCAP đánh giá hiệu quả", ông Alejandro Furas, Tổng thư ký Latin NCAP, nhấn mạnh.
Được biết, Toyota Raize dành cho các nước ở khu vực châu Mỹ Latinh đều nhập khẩu từ Indonesia, tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, mẫu Raize tại Việt Nam được trang bị 6 túi khí và mâm 17 inch thiết kế thể thao hơn. Trong khi đó, mẫu Raize dành cho các nước khu vực châu Mỹ Latinh chỉ được trang bị 2 túi khí và mâm thép đi kèm chụp nhựa.