>> Xe máy điện sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn bán xe “hai giá”
Xe máy điện chờ chính sách
Viện Nghiên cứu phát triển Tp Hồ Chí Minh đã có tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố, xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi cho cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Việc này sẽ được thí điểm tại huyện Cần Giờ trước khi nhân rộng ra toàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ đưa ra các chính sách ưu đãi mua xe điện mới như giảm phí đăng ký và cấp biển số, giảm lãi vay mua xe mới, phí hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện.
Cụ thể, từ 2024-2025, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí, để chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Với những cá nhân, hộ gia đình khác, sẽ hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký, cấp biển số và duy trì lãi suất vay ưu đãi còn 4%/năm, trong trường hợp mua xe máy điện trả góp. Từ 2026-2027 khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện, phấn đấu mỗi gia đình chuyển đổi một xe máy điện. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký, cấp biển số, lãi suất vay như giai đoạn trước đó. Từ 2028-2030, các chính sách hỗ trợ chuyển xe xăng sang xe điện tại huyện Cần Giờ tiếp tục được duy trì. Đến thời điểm này, toàn bộ cá nhân, hộ gia đình ở huyện Cần Giờ sẽ chuyển đổi sử dụng xe máy điện…
Trước thông tin này, nhiều ý kiến đồng tình, đề nghị cần làm nhanh và sớm mở rộng ra các quận, huyện khác trong toàn thành phố. Một số ý kiến đặt câu hỏi, tp Hồ Chí Minh làm còn các địa phương khác thì sao, toàn quốc thì sao?
Theo lộ trình của Chính phủ, Việt Nam xác định đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Thách thức lớn
>> Hơn 72 triệu xe máy xăng ra đường, ô nhiễm nặng nề, chuyển nhanh sang xe máy điện
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2023, số lượng xe máy điện mới chỉ chiếm khoảng 2,5 triệu chiếc, trong tổng số 75 triệu xe máy đăng ký lưu hành. Con số này cho thấy, xe máy xăng vẫn chiếm số lượng áp đảo. Nó có thể ảnh hưởng tới mục tiêu từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào năm 2050.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức Việt (tp Hồ Chí Minh), với lĩnh vực xe máy, để đạt được mục tiêu trên, phải vượt qua hai thách thức lớn. Thứ nhất, đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng xe chạy xăng hàng ngày. Xe máy xăng đã quen thuộc với người dân từ nhiều năm, trong khi xe máy điện vẫn còn mới lạ. Thứ hai, những doanh nghiệp xe máy lớn, đang chiếm thị phần lớn, vẫn tập trung vào xe máy xăng. Những doanh nghiệp này có một bề dày phát triển tại Việt Nam trong hàng chục năm qua, đã đầu tư lớn cho sản xuất và tiếp thị. Việc chuyển đổi sang xe máy điện có thể là một “ván cược” đầy rủi ro. Coi như phải làm lại từ đầu, chi phí dành cho phát triển, sản xuất và thương mại sẽ đội lên nhiều lần, đối mặt với nguy cơ giảm doanh số, giảm thị phần. Vì vậy, sẽ chỉ tập trung vào xe chạy xăng để bảo toàn lợi nhuận, không hào hứng chuyển đổi.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho xe máy điện đến nay vẫn còn thiếu. Chẳng hạn như ô tô điện đã được miễn lệ phí trước bạ còn xe máy điện thì không; xe máy điện vẫn chịu phí cấp biển giống như xe máy xăng…
Hiện tại, xe máy điện có lợi thế là chi phí sử dụng hàng ngày rẻ, chi phí bảo hành bảo dưỡng thấp hơn xe máy xăng. Xe máy điện có nhiều mẫu mã đa dạng và quãng đường di chuyển ngày càng xa hơn, sạc pin nhanh hơn. Tuy nhiên, giá bán vẫn còn cao. Chỉ khi nào xe máy điện có giá bán rẻ hơn xe máy xăng, cùng với nhiều ưu đãi khác, mới thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, từ đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển Tp Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng cần xem xét, sớm ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ hấp dẫn, đồng bộ, cho xe máy điện và hạn chế dần xe máy xăng.