>> Lệ phí trước bạ sắp giảm, chọn thời điểm mua ô tô, để hưởng lợi kép
Trong phiên họp Quốc hội đầu tháng 6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy vậy, khi nào thì được giảm và mức giảm bao nhiêu vẫn chưa rõ.
Còn theo nhận định của các doanh nghiệp, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thể được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, từ đầu tháng 7/2024 đến hết tháng 12/2024. Đây sẽ là lần thứ 4 ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được hỗ trợ lệ phí trước bạ.
Từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Chính phủ đã có 3 lần cho áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần 6 tháng, nhằm hỗ trợ người dân khi mua ô tô.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 5 tháng đầu năm 2024, ước đạt 115.900 xe các loại, bằng 96.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước xuất xưởng đạt 133.600 xe, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà tăng trưởng “giật lùi”. So với 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt 190.500 xe, thì đã giảm tới 74.600 xe.
Ngay từ đầu năm 2024 một số doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giảm lệ phí trước bạ, không làm giảm giá bán xe, bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe, nhưng sẽ làm giảm chi phí lăn bánh. Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ, sử dụng xăng dầu, sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 - 300 triệu đồng, tùy từng mẫu xe. Qua đó kích cầu thị trường, giúp ô tô trong nước gia tăng sản lượng.
Kinh tế khó khăn, khiến sức mua giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc cho các hãng xe và đại lý đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn, giảm tiền mặt trực tiếp vào giá bán để kích cầu. Có nhiều mẫu ô tô từ xe sang đến bình dân, được giảm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Vậy nhưng, doanh số bán vẫn tăng trưởng âm, thị trường ô tô vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Sản lượng của hầu hết các mẫu ô tô sản xuất lắp ráp đều giảm mạnh.
Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc, được hưởng ưu đãi thuế quan đang gây sức ép lên xe sản xuất lắp ráp trong nước. Nhờ lợi thế về chi phí, nhiều mẫu xe nhập khẩu liên tục tung ra những chương trình ưu đãi lớn, giảm giá sâu, đã giúp tăng doanh số và vượt lên, bỏ xe sản xuất lắp ráp trong nước lại phía sau.
Hiện nguồn cung ô tô vẫn cao hơn nhiều so với nhu cầu. Tổng nguồn cung ô tô toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2024 đạt 172.705 chiếc. Cộng với khoảng 65.000 xe tồn kho từ 2023, tổng nguồn cung gần 240.000 chiếc. Trong khi đó, theo ước tính của các doanh nghiệp, tiêu thụ toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 170.000 xe các loại. Cung vẫn cao hơn cầu khoảng 70.000 chiếc, tương đương với hơn 2 tháng bán hàng.
Thị trường ô tô chìm sâu trong suy thoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng góp vào ngân sách giảm mạnh. Nguồn thu từ ô tô bao gồm: tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ, là những khoản đóng góp quan trọng vào ngân sách. Tại các trung tâm công nghiệp ô tô lớn của cả nước như: Ninh Bình, Quảng Nam và Vĩnh Phúc, hụt thu hàng nghìn tỷ đồng do ngành ô tô gặp khó khăn.
Dự báo thị trường ô tô sẽ sôi động hơn vào nửa cuối năm 2024. Ô tô sản xuất trong nước được hỗ trợ lệ phí trước bạ, sẽ tác động đến thị trường ô tô, tăng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ phải duy trì các chương trình hỗ trợ, khuyến mãi lớn… Giá ô tô sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp, để ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt sản lượng 440.000 xe như của năm 2022 là không thể. Ngay cả vượt qua con số 350.000 xe của năm 2023 cũng rất khó khăn.