>> Việt Nam lại “chậm chân” thu hút đầu tư ô tô điện?
Mới đây, VinFast đã công bố giá bán xe VF e34 tại Indonesia, thấp hơn 200 triệu đồng so với tại Việt Nam. Xe không kèm pin có giá 315 triệu rupi (tương đương 497 triệu đồng), trong khi giá niêm yết trong nước là 710 triệu đồng. Qua tìm hiểu, có thể thấy, sự chênh lệch về giá, chủ yếu là do những chính sách hỗ trợ cho xe điện khác nhau của các quốc gia.
Các nước ưu đãi xe điện như thế nào?
Tại Indonesia Chính phủ đã áp thuế phương tiện xe cơ giới 0% đối với xe điện, so với mức 1 - 10% của xe xăng. Từ 2023, Indonesia hỗ trợ 5.000 USD trừ vào giá cho mỗi chiếc ô tô điện bán ra và 500 USD cho xe máy điện. Chính phủ chi trả 320 USD cho chi phí chuyển đổi từ một chiếc xe máy động cơ đốt trong sang xe điện.
Tại Thái Lan, từ 2022 Chính phủ đã ban hành gói chính sách cho xe điện. Cụ thể: giảm 40% thuế nhập khẩu đối với xe điện có giá dưới 2 triệu baht (61.805 USD); giảm 20% với xe điện có giá từ 2 triệu baht đến 7 triệu baht (211.278 USD); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 8% xuống 2%. Với xe điện sản xuất trong nước, trợ giá từ 70.000 - 150.000 baht (2.160 - 4.630 USD) cho mỗi xe điện được bán ra đến năm 2025. Trợ cấp 24 tỷ bạt cho ngành công nghiệp sản xuất pin dành cho xe điện trong nước…
Trung Quốc vào tháng 6/2023 đã công bố gói giảm thuế trị giá 520 tỷ nhân dân tệ (72,3 tỷ USD) trong vòng 4 năm đối với xe điện. Cụ thể, từ 2024 – 2025, miễn thuế lên tới 30.000 NDT/xe (4.170 USD); từ 2026 – 2027, miễn thuế lên tới 15.000 NDT/xe (2.085 USD). Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện, dựa trên doanh số bán hàng. Tức là doanh số bán càng cao thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có trợ giá với sản phẩm dựa theo dung lượng pin xe điện. Theo đó, xe ô tô thuần điện có phạm vi chạy trên 400 km, sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250 km không được trợ giá…
Từ năm 2017, Trung Quốc áp dụng một hệ thống chấm điểm dành cho ngành công nghiệp ô tô. Các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch, sẽ được thưởng điểm và trừ điểm các hãng chế tạo ra các mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch. Những chiếc ô tô đến từ các hãng sản xuất có điểm số âm, có thể bị loại khỏi thị trường. Với người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã có chương trình hỗ trợ kéo dài như: khách hàng mua xe điện sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp lên tới 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng).
Hàn Quốc, đã ban hành gói ưu đãi thuế và nhiều biện pháp hỗ trợ khác trị giá khoảng 66,03 tỷ USD, nhằm tăng thị phần xe điện trong nước lên 12% vào năm 2030. Từ năm 2021, người dân Hàn Quốc mua xe điện được hỗ trợ tới hơn một nửa giá xe. Cụ thể, Hàn Quốc trợ cấp tới 19 triệu won (14.000 USD) cho người mua ô tô điện.
Đấy là chưa kể hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển hạ tầng sạc điện, giảm phí đối với người sử dụng xe điện; ban hành tiêu chuẩn thống nhất về sạc xe điện...
Nhờ chính sách khuyến khích hỗ trợ đồng bộ và hấp dẫn, đến nay các quốc gia này đã đạt được những thành công trong việc phát triển xe điện. Ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Việt Nam ưu đãi thiếu hấp dẫn
Tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành những chính sách ưu đãi dành cho xe điện như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm (từ tháng 3/2022 đến hết tháng 3/2027) cho xe chở người từ 9 chỗ trở xuống còn 3%, xe vừa chở người vừa chở hàng và xe chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ còn 2%, xe chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ còn 1%, nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác, những chính sách kể trên vẫn còn khá khiêm tốn.
Để phát triển ô tô điện, vào tháng 8/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một loạt chính sách hỗ trợ, trong đó có trợ cấp cho người dân khoản tiền 1.000 USD khi mua ô tô điện. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.
Bộ Tài chính cho rằng, hỗ trợ tài chính người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn Ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện là chưa phù hợp. Bởi vì, những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện, là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trong các chính sách hỗ trợ về xe điện nói chung, chính sách đem lại hiệu quả nhanh chóng nhất chính là trợ giá. Chính sách này bao gồm hai phần: trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất và trợ giá cho người mua xe điện. Điều này đã được nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Na Uy, Hàn Quốc…áp dụng.
Theo Bộ Công thương, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 1 triệu xe/năm, để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu ban hành sớm chính sách đủ mạnh và đồng bộ, để thu hút đầu tư cho xe điện và pin xe điện, sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác cùng phát triển như: công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp nhựa, công nghiệp khai khoáng,…Ngược lại, nếu chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư ban hành chậm, không đủ mạnh, tỷ lệ nhập siêu trong ngành ô tô sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ bị “chậm chân” trong việc đón cơ hội để phát triển xe điện.