>> Có nên giãn chu kỳ đăng kiểm?
Muốn nới lỏng hơn nữa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ô tô cá nhân theo hướng nới lỏng thêm thời gian, để vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và giảm bớt khó khăn về kinh phí, thuận tiện cho người dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm 2023 đã rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh thời hạn đăng kiểm, đối với xe ô tô cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ phương tiện trong công tác đăng kiểm.
Theo đó, Bộ đã ban hành Thông tư số 02, trong đó miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới chưa qua sử dụng, điều chỉnh chu kỳ kiểm định tăng thêm 6 tháng đối với nhóm phương tiện ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe ô tô cá nhân) so với quy định chu kỳ kiểm định trước đây.
Việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định, được xác định dựa trên các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm của các tổ chức đăng kiểm quốc tế, đánh giá quá trình khai thác và một số yếu tố như tuổi của xe, các thành phần linh kiện, các hệ thống (treo, hệ thống lái, hệ thống phanh…); cũng như tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động của xe”.
Về nội dung kiến nghị tiếp tục điều chỉnh thời hạn đăng kiểm xe ô tô cá nhân theo hướng nới lỏng thêm thời gian, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu các yếu tố có liên quan (tuổi của xe, tần suất sử dụng, môi trường hoạt động…) phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tham khảo các quy định quốc tế. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Vẫn gây khó cho dân
Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 21/3/2023, quy định thời hạn đăng kiểm đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải, miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên 36 tháng; xe có thời gian sản xuất đến 7 năm, chu kỳ kiểm định là 24 tháng; xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm, chu kỳ kiểm định là 12 tháng; xe có thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Quy định về chu kỳ kiểm định ô tô con mới sản xuất đến hết năm thứ 7, được cho là đã tương đồng với các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, quy định chu kỳ kiểm định 12 tháng/lần với xe sản xuất từ sau 7 năm đến 20 năm, còn nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng vẫn dày đặc, thiếu cập nhật thực tế về công nghệ sản xuất ô tô hiện đại và gây khó cho người dân.
Theo quy định tại Thông tư 02, tính chung một chiếc xe con đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải, lưu hành tại Việt Nam, sẽ phải thực hiện kiểm định tới 14 lần/20 năm, cao hơn so với 9 lần/20 năm ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức Việt, từng làm việc cho Tập đoàn Volkswagen (CHLB Đức), tại Đức ô tô con mới sản xuất được miễn kiểm định 3 năm đầu và về sau cứ định kỳ 2 năm mới kiểm định một lần, không quan tâm tới năm sản xuất; ở Nhật Bản cũng tương tự; còn ở Mỹ, tại một số tiểu bang, xe mới được miễn kiểm định tới 4 năm, về sau cũng chỉ có định kỳ 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất…
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khoảng 70% xe con ở Việt Nam là của các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc. Đa số phần còn lại là xe từ Mỹ và EU. Vậy tại sao không theo luôn tiêu chuẩn kiểm định của các quốc gia này?
Tại Đức ra cao tốc ô tô không bị giới hạn tốc độ, muốn chạy nhanh bao nhiêu cũng được, trừ 1 số đoạn nguy hiểm mới bị giới hạn, vậy mà người ta đưa ra chu kỳ kiểm định cho xe là 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất. Không lẽ người Đức coi thường sự an toàn hơn Việt Nam?
Kỹ sư Đồng đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu để quy định chu kỳ kiểm định xe con từ sau năm thứ 7 đến năm thứ 20 là 12 tháng/lần? Cơ quan chức năng có con số thống kê nào đủ thuyết phục về xe chạy sau 7 năm nếu kiểm định 24 tháng/lần thì không an toàn hơn kiểm định12 tháng/lần không?
Công nghệ sản xuất ô tô của nhân loại ngày càng hiện đại và tinh vi, những chiếc ô tô ngày càng thông minh và có tính an toàn cao. Chỉ một lỗi nhỏ về an toàn cũng ngay lập tức được hệ thống tự động cảnh báo, vì vậy nó khác trước rất nhiều. Mọi thứ đã thay đổi từ lâu rồi nhưng cơ quan quản lý vẫn không chịu thay đổi tư duy, sẽ cản trở sự phát triển và làm khổ cả xã hội.
“Giải thoát” nỗi khổ đăng kiểm?
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT được ban hành theo trình tự rút gọn, vào thời điểm hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đang quá tải, vì vậy vẫn có những hạn chế. Theo giới chuyên môn, để ra được chính sách đúng, ít nhất cần có dữ liệu về tình trạng tai nạn giao thông trên toàn quốc. Dữ liệu này bao gồm tuổi thọ xe, kiểu dáng xe, hình thức sử dụng kinh doanh hay không, thời điểm kiểm định gần nhất, thiệt hại về tài sản, về người của mỗi vụ tai nạn, cùng nhiều thông số khác như số công tơ mét, thông tin về tài xế…
Trên cơ sở đó sẽ tính toán ra ảnh hưởng của thời gian kiểm định đến nguy cơ tai nạn và thiệt hại. Tiếp theo là tính toán chi phí của việc quy định các tần suất kiểm định khác nhau. Cuối cùng là so sánh giữa chi phí của việc kiểm định và lợi ích giảm tai nạn thu được. Có như vậy mới đảm bảo tính khoa học và sự thuyết phục.
Theo thống kê trên thế giới, nguyên nhân gây tai nạn ô tô do người lái mất tập trung chiếm tới 94%, còn lại 6% là lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng và lỗi do các yếu tố khác. Từ cách tiếp cận trên, việc giãn thêm chu kỳ kiểm định cho xe cá nhân là hoàn toàn có cơ sở. Với xe không kinh doanh thường có chỉ số an toàn cao hơn, mức tác động nhỏ thì nên gia hạn.
Kéo dài chu kỳ kiểm định, không có nghĩa là chúng ta chấp nhận rủi ro về an toàn. Với những xe có lịch sử tốt, không bị tai nạn, các thông số kỹ thuật đảm bảo thì nên để chu kỳ kiểm định định kỳ 2 năm/lần. Còn những xe có vấn đề, yêu cầu phải sửa chữa khắc phục và có định kỳ ngắn hơn. Điều này sẽ khuyến khích người dân chăm sóc chiếc xe của mình tốt hơn và điều quan trọng là được “giải thoát” khỏi nỗi khổ về thủ tục đăng kiểm, kỹ sư Đồng nói.