Vậy do đâu có sự chênh lệch này? Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xe điện, giống với chỉ số tiêu hao nhiên liệu trên các dòng xe xăng hay dầu, thông số về quãng đường di chuyển của ô tô điện cũng chỉ mang tính tương đối, áp dụng trong các điều kiện thử nghiệm nhất định. Còn khi xe lăn bánh thực tế, các thông số sẽ có sự khác biệt bởi sự tác động của nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.
Kỹ năng lái
Dù là xe sử dụng động cơ đốt trong hay xe điện, cách lái xe của tài xế cũng luôn là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến mức tiêu hao nhiên liệu hay quãng đường di chuyển.
Riêng với xe điện, bên cạnh các thói quen như tăng ga đột ngột hay phanh gấp liên tục, việc lái xe di chuyển với tốc độ cao cũng khiến xe tiêu hao nhiều năng lượng hơn, dẫn đến nhanh hết pin hơn. Theo nhiều nghiên cứu, xe điện sử dụng năng lượng hiệu quả nhất khi lưu thông ở dải tốc độ thấp (60km/giờ đến dưới 100 km/giờ), điển hình như khi đi trong phố. Do đó, việc duy trì tốc độ đều và không quá cao là cách để tối ưu quãng đường di chuyển của xe trong mỗi lần sạc đầy pin.
Trọng lượng xe
Tương tự xe sử dụng động cơ đốt trọng, trọng lượng xe cũng là yếu tố tác động nhiều đến khả năng tiết kiệm năng lượng trên ô tô điện. Chính vì vậy, một chiếc xe chở theo nhiều người và hành lý, quãng đường hay phạm vi di chuyển thường sẽ bị rút ngắn hơn so với mức công bố từ nhà sản xuất.
Đó là lý do, nhiều chuyên gia thường khuyên người sử dụng xe điện nên tính toán và hạn chế mang theo những vật dụng, hành lý không cần thiết trên xe.
Thời tiết, nhiệt độ môi trường
Một yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến quãng đường di chuyển của ô tô điện chính là điều kiện thời tiết, hay chính xác hơn là nhiệt độ môi trường bên ngoài. Bởi khi nhiệt độ quá thấp hay quá cao, người dùng sẽ phải kích hoạt các tính năng, tiện ích như làm ấm, sưởi hay hệ thống điều hòa trên xe. Trong khi các bộ phận này đều phải sử dụng năng lượng điện trực tiếp từ pin. Vì vậy, nếu liên tục sử dụng, việc chia sẻ năng lượng nói trên xe khiến quãng đường di chuyển của xe bị thu hẹp lại.
Hệ thống phanh tái sinh
Phanh tái sinh (regenerative brake) có vai trò rất quan trọng và gần như không thể thiếu đối với mọi chiếc ô tô điện trên thị trường. Đây là chìa khóa mang lại lợi thế cho hệ thống truyền động điện. Nhờ khả năng tạo ra điện khi phanh, công nghệ này cho phép chiếc xe tiết kiệm một phần năng lượng.
Cụ thể, thay vì chỉ đơn giản làm cho xe ô tô đi chậm lại như phanh thông thường trên các xe sử dụng động cơ đốt trong, phanh tái sinh sử dụng điện trở (vốn có của một máy phát điện) để vừa làm giảm tốc độ của xe mà vừa tạo ra thêm điện, nạp lại cho pin. Chính vì vậy, quãng đường di chuyển thực tế của một chiếc xe điện cũng phần nào phụ thuộc vào hiệu quả của phanh tái sinh được trang bị kèm.