Một hệ thống phanh hiệu quả là chìa khóa cho các tài xế điều khiển và dừng xe một cách an toàn. Chức năng của phanh không chỉ giới hạn ở việc giảm tốc độ hay dừng xe mà còn tạo cảm giác an toàn, tự tin cho người lái. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, bảo dưỡng hay thay thế định kỳ các chi tiết… hệ thống phanh ô tô sẽ xuống cấp, phát sinh những sự cố, hư hỏng. Trong đó, các dấu hiệu dưới đây cho thấy phanh ô tô có vấn đề, tài xế không nên chủ quan:
Âm thanh cót két khi đạp phanh
Nếu người lái nghe thấy tiếng kêu cót két khi phanh, rất có thể má phanh đã bắt đầu bị mòn. Âm thanh này thường được tạo ra do ma sát giữa má phanh và đĩa phanh. Việc bỏ qua cảnh báo này có thể khiến hệ thống phanh bị hư hỏng thêm.
Dầu phanh giảm
Mức dầu phanh giảm có thể cho thấy hệ thống bị rò rỉ. Dầu phanh thấp làm giảm hiệu quả phanh và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đèn báo phanh bật sáng
Đèn báo phanh trên bảng đồng hồ bật sáng là tín hiệu cảnh bán phanh đang gặp sự cố nghiêm trọng. Chủ xe nên kiểm tra và xử lý ngay để tránh hư hỏng thêm.
Bàn đạp phanh cứng
Nếu người lái cảm thấy bàn đạp phanh cứng khi nhấn, có thể hệ thống thủy lực hoặc xi-lanh phanh chính có vấn đề. Bàn đạp phanh cứng khiến người lái xe gặp khó khăn trong việc kiểm soát tốc độ xe, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp.
Khi nào cần thay má phanh?
Thay má phanh định kỳ là việc rất quan trọng để tránh phanh bị mòn quá mức. Các dấu hiệu như tiếng kêu cót két, bàn đạp phanh cứng hoặc độ dày má phanh mỏng đi cho thấy má phanh cần được thay thế.
Việc thay thế má phanh nên được thực hiện sau mỗi 40.000 - 80.000 km hoặc tùy theo mức độ sử dụng. Bảo dưỡng phanh ô tô định kỳ là bước phòng ngừa quan trọng nhằm đảm bảo an toàn khi lái xe. Bằng cách kiểm tra và bảo dưỡng phanh thường xuyên, chủ xe có thể tránh được những hư hỏng nghiêm trọng và chi phí sửa chữa lớn hơn về sau.