Hôm nay (1/1), Google đã thay đổi ảnh đại diện trên trang chủ bằng doodle đặc biệt mừng năm mới 2024.
Trước đó, vào ngày 31/12/2023, thời điểm năm 2023 chuẩn bị đi qua, năm mới 2024 sắp tới, Google đã cập nhật ảnh đại diện trên công cụ tìm kiếm bằng một doodle đặc biệt mang tên "New Year’s Eve 2023".
Doodle ghi dấu ấn đêm giao thừa 2023 của Google
Doodle được thiết kế dưới dạng ảnh động, nổi bật với hình ảnh quả cầu ánh sáng đặc trưng trong các sự kiện đón chào năm mới.
Chia sẻ về tác phẩm, gã khổng lồ tìm kiếm cho biết, doodle này mang đến sự lấp lánh và tỏa sáng để bắt đầu một năm mới.
"Khi đồng hồ ngày càng gần đến nửa đêm, mọi người trên khắp thế giới đang lên kế hoạch cho những quyết tâm trong năm mới và cầu mong thành công, tình yêu, niềm vui và vô vàn những thứ khác" - Google chia sẻ kèm theo câu đếm ngược: "3... 2... 1.... Chúc mừng năm mới!".
Và khi năm 2024 chính thức gõ cửa, doodle của Google đã có sự thay đổi khi con số "2023" được thay thế bằng "2024", cùng với đó là màu xanh trên quả cầu dần được thay thế bằng màu vàng.
Doodle chào 2024 của Google
Trong lịch Gregory, đêm giao thừa - New Year’s Eve còn được gọi là ngày cuối cùng của năm cũ hoặc ngày Thánh Sylvester ở nhiều quốc gia. Đây là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Vào khoảnh khắc này, nhiều nơi trên thế giới thường tổ chức các sự kiện lớn với những màn bắn pháo hoa, các bữa tiệc, các hoạt động âm nhạc trong nhà hay ngoài trời... Lễ đón giao thừa thường diễn ra trước khi những giờ phút cuối cùng của năm cũ qua đi cho đến ngày đầu năm mới.
Do sự chênh lệch múi giờ trên Trái đất, sự kiện đón năm mới không diễn ra cùng lúc ở mọi nơi trên toàn thế giới. Châu Đại Dương sẽ là khu vực đón năm mới đầu tiên trên thế giới. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm 2023 và 2024 đầu tiên sẽ diễn ra tại 3 địa điểm: đảo Kiritimati của Cộng hòa Kiribati, Tonga và Samoa.
Trong khi đó, nơi cuối cùng bước sang năm 2024 trên thế giới là hai hòn đảo Baker và Howland của Mỹ. Tuy nhiên, do không có người sinh sống tại đó nên mọi người thường không để ý đến sự đặc biệt của hai hòn đảo này. Chính vì vậy, nơi đón năm mới muộn nhất trên thế giới được tính là quần đảo American Samoa.
Do nằm phía bên kia của đường đổi ngày quốc tế so với Samoa nên American Samoa đón giao thừa muộn hơn Samoa 1 ngày mặc dù hai nơi này chỉ cách nhau 164 km. Điều đó có nghĩa là nếu một người vừa đón năm mới tại Samoa, họ có thể đi phà (8 tiếng) hoặc máy bay (20 phút) sang American Samoa để "quay trở lại" năm 2023 và chào đón năm 2024 thêm một lần nữa.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...