Tấn công mạng tại Nhật Bản đang gia tăng nghiêm trọng, gây thiệt hại ngày một ghê gớm cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại nước này.
Trong bối cảnh tấn công mạng đang gia tăng trên toàn thế giới, Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù là nước có công nghệ tin học phát triển vào bậc nhất thế giới và đang tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa, đối phó nhưng Nhật Bản vẫn đang phải chịu những thiệt hại to lớn do tấn công mạng gây ra.
Theo thông tin từ Bộ Tổng vụ Nhật Bản, tấn công mạng tại nước này đang gia tăng nghiêm trọng, gây thiệt hại ngày một ghê gớm cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Nhật Bản. Con số thiệt hại trung bình hàng năm mỗi tổ chức phải gánh chịu lên tới 328,5 triệu Yên (tương đương khoảng 55 tỷ đồng). Còn theo Cơ quan nghiên cứu thông tin truyền thông Nhật Bản, các vụ tấn công mạng xảy ra từ đầu năm đến nay đã tăng gấp 25 lần so với năm 2014, và cứ 14 giây lại xảy ra 1 vụ tấn công mạng.
Đánh giá thiệt hại do các vụ tấn công mạng gây ra, ông Sakai Hitoshi - chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu giải pháp công nghệ Nhật Bản nói cho biết, mục đích của các tập đoàn tội phạm công nghệ cao chủ yếu là tiền. Tuy nhiên, thiệt hại do tấn công mạng gây ra không chỉ là tiền tin tặc lấy được, còn là các chi phí để nghiên cứu đối phó, để thay thế công nghệ, thiết bị nhằm tăng khả năng chống chịu. “Chỉ riêng trong năm 2023, đã có 197 công ty phải tiến hành thay thế công nghệ, thiết bị để đối phó với tấn công mạng với chi phí khổng lồ. Đó là còn chưa kể tới những sang chấn tâm lý các nạn nhân phải gánh chịu”, ông Sakai Hitoshi nhìn nhận.
Được biết hiện nay, một loạt các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Công ty sản xuất thép JFE Steel, Mitsubishi Denki, NTT Communication... đã không ngần ngại chi những khoản tiền rất lớn để đổi mới công nghệ, thay thế thiết bị, thuê mướn chuyên gia, phát triển phần mềm chống tin tặc (hacker)... nhằm đối phó với tấn công mạng mặc dù các công nghệ và thiết bị đang sử dụng vẫn còn tốt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra không hoàn toàn tự tin là có thể đối phó triệt để với tội phạm công nghệ cao, trong khi có nhiều doanh nghiệp như nhà xuất bản uy tín bậc nhất Nhật Bản KADOKAWA, doanh nghiệp sản xuất kính và dụng cụ quang học hàng đầu HOYA vẫn chưa giải quyết xong thiệt hại do tấn công mạng gây ra từ đầu năm nay.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...