Theo tìm hiểu của phóng viên tại các cơ sở đào tạo lái xe ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cho thấy chi phí học bằng lái ô tô mỗi nơi khác nhau.
Chẳng hạn, cũng tại TP.HCM, tuy nhiên nhân viên của một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở Q.7 báo giá 21 triệu đồng. "21 triệu đồng là chi phí trọn gói để học bằng lái ô tô hạng B2. Chúng tôi cam kết sẽ không có bất kỳ khoản phát sinh nào khác", đại diện của trung tâm này nói và cho biết thêm: "Đối với bằng lái ô tô hạng B1 sẽ là 18 triệu đồng, còn bằng C là 27 triệu đồng".
Còn mức chi phí mà đại diện một trường dạy lái xe ô tô ở Q.7 (TP.HCM) đưa ra là 19,9 triệu đồng đối với bằng B2. Bằng B1 là 14,9 triệu đồng. Bằng C là 24,9 triệu đồng.
Nhân viên một trung tâm lái xe ở Q.Bình Thạnh) cho biết chi phí trọn gói để học bằng lái ô tô hạng B2 là 24,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sẽ giảm cho học viên 35%, còn 15,9 triệu đồng. Bằng C có học phí 29 triệu đồng được giảm còn 18,9 triệu đồng. Đối với bằng B1, mức học phí trước đây là 26 triệu đồng, được giảm còn 16,9 triệu đồng.
Còn ở Long An, một trường trung cấp nghề thông báo học phí: 9,2 triệu đồng với bằng hạng B2, 10,2 triệu đồng với bằng hạng C.
Trong khi đó, cũng tại Long An, chi phí để học bằng hạng B2, C tại một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật chỉ lần lượt là: 7,7 triệu đồng, 10,1 triệu đồng.
Tại Đồng Nai, một trung tâm dạy nghề và đào tạo, sát hạch lái xe thông báo mức học phí với các hạng giấy phép lái xe B1 và B2 cùng mức 14 và 16 triệu đồng đối với bằng hạng C. Nhưng một trường trung cấp ở tỉnh này lại thông báo với học viên mức học phí khác: hạng B1 và B2 là 14,5 triệu đồng. Hạng C là 19,5 triệu đồng…
Có thể thấy, cùng một hạng giấy phép lái xe, nhưng học phí lại có những khoản chênh lệch khá lớn.
Vì sao?
Đại diện của nhiều trung tâm dạy lái xe tại TP.HCM cho biết sở dĩ có thực tế "mỗi nơi mỗi khác" vì hiện nay chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định cụ thể mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô.
"Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT thì các cơ sở đào tạo lái xe được trao quyền tự xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần. Nên hàng năm, tùy vào việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy lái xe ô tô… chúng tôi sẽ đưa ra mức học phí phù hợp. Chẳng hạn, những năm trước, chưa có phần học lái xe trên cabin mô phỏng nên học phí sẽ thấp hơn", đại diện một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tại Q.7 (TP.HCM) lý giải.
Người này nói thêm: "Hiển nhiên, chúng tôi nói riêng và các trung tâm đào tạo lái xe ô tô nói chung, sẽ chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí. Không thể đưa ra mức học phí quá cao. Và mọi trung tâm ở các tỉnh, thành đều phải báo cáo về học phí đến UBND tỉnh, thành, hoặc Bộ Giao thông vận tải…".
Ông Lê Công Lâm Quốc Bảo, giáo viên tại một đơn vị dạy lái xe ô tô ở Q.12 (TP.HCM), cho hay: "Nguyên nhân khiến mức học phí chênh lệch giữa các trung tâm, là do có nơi dạy cả phần lý thuyết cho học viên nên học phí cao hơn. Còn có những nơi yêu cầu học viên tự tải phần mềm để ôn luyện lý thuyết thì học phí rẻ hơn . Ngoài ra, nhiều nơi dạy lái xe ô tô chưa có trang bị hệ thống dạy lái xe trên cabin mô phỏng mà gửi học viên qua những trung tâm khác. Trường hợp này, học viên phải đóng học phí ở nơi đăng ký ban đầu, và học lý thuyết, thực hành tại đây. Sau đó phải tiếp tục đóng một khoản học phí khác để học lái xe trên cabin mô phỏng".
Cũng theo ông Bảo, có cả những trường hợp học viên không đăng ký học lái xe ô tô trực tiếp tại các trung tâm mà qua trung gian. Điều này cũng khiến học viên phải chi trả một khoản tiền lớn để được học lái xe ô tô. "Đã có thắc mắc tại sao cùng học bằng B2 ở cùng một trung tâm mà có người chỉ đóng học phí 19 triệu đồng nhưng có người phải nộp đến 24 triệu đồng. Lý do vì họ đăng ký qua trung gian, phần lớn là các giáo viên dạy lái xe ô tô. Những người này sẽ tự đưa ra mức giá cao hơn với học phí mà các trung tâm thông báo để kiếm khoản tiền hoa hồng chênh lệch", ông Bảo cho biết thêm.
Ông Đặng Thanh Đại, giáo viên tại một đơn vị dạy lái xe ô tô ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nói: "Nhiều trung tâm đào tạo lái xe cạnh tranh nhau. Một số nơi sẽ đưa ra mức giá thấp hơn đối phương nhằm để thu hút học viên đến đăng ký. Điều này cũng dẫn đến tình trạng loạn giá như hiện nay".
Ông Đại cũng khuyên khi có nhu cầu học bằng lái ô tô, cần tìm hiểu thật kỹ những đơn vị được phép đào tạo. Bởi lẽ, hiện nay có tình trạng quảng cáo sai sự thật như: "bao đậu khi đăng ký học bằng lái ô tô", "giảm 60% khi đăng ký học bằng lái ô tô B1, B2", "thủ tục đăng ký nhanh gọn, không thi vẫn có bằng"…
"Cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng các cơ sở đào tạo lái xe được phép tuyển sinh theo quy định của pháp luật để không rơi vào cảnh bị lừa khi đăng ký học bằng lái ô tô. Ngoài ra, cũng nên tự đến đăng ký học trực tiếp tại các trung tâm uy tín, chất lượng, có công khai minh bạch học phí lái xe để tiết kiệm chi phí", ông Đại nói.
Ngoài ra, theo chia sẻ của nhiều người trẻ có nhu cầu học bằng lái ô tô, một số nơi "nhìn mặt báo học phí". "Nghĩa là khi thấy học viên có tâm lý rất muốn học lái xe trong thời gian sớm nhất thì một số nơi sẽ báo học phí cao. Ngược lại, nếu thấy học viên còn trong giai đoạn tham khảo giá thì một số trung tâm sẽ đưa ra mức giá vừa phải để thuyết phục đăng ký", anh Lê Tuấn Hải (32 tuổi), ngụ ở đường số 8, TP.Thủ Đức (TP.HCM) kể.
Từ 10 - 25 triệu đồng
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi có nhu cầu học bằng lái ô tô, học viên sẽ đăng ký khóa học và đóng một số khoản tiền để thanh toán: chi phí làm hồ sơ, học lý thuyết, học thực hành (gồm lái xe sa hình, chạy DAT, học trên cabin mô phỏng...) và một số khoản chi phí cũng như lệ phí để thi tốt nghiệp, sát hạch. Tùy vào hạng bằng sẽ có những mức học phí khác nhau, từ 10 - 25 triệu đồng.