"Bỏ quên tác giả"
Mới đây, câu nói: "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện" được đăng trên fanpage của một MC nổi tiếng đã gây xôn xao cộng đồng mạng.
Dân mạng phát hiện ra người từng phát ngôn câu nói ấy là nữ nhà văn Trương Ái Linh (Trung Quốc). Tuy nhiên, những người quản lý fanpage trên không dẫn nguồn, chẳng đưa thông tin tác giả. Từ đó, dân mạng đã kịch liệt phản đối, cho rằng những người quản lý fanpage không tôn trọng tác giả.
Câu chuyện này không ngoại lệ, bởi vì có rất nhiều trường hợp đã từng "bỏ quên tác giả" khi sử dụng những đoạn văn, câu thơ, hình ảnh... của người khác để đăng lên mạng xã hội.
Vào đầu tháng 1.2024, Công an TP.HCM đã có những cảnh báo sinh viên tìm việc làm dịp cận tết hết sức cẩn trọng với bẫy "việc nhẹ, lương cao" rồi bị lừa bán sang Campuchia. Những cảnh báo này được chuyển tải bằng dạng đồ họa thông tin (infographic).
Điều đáng nói, sau khi Công an TP.HCM đăng tải lên Facebook, một số trang khác đã "bê" nguyên những thông tin ngắn gọn với hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động, bắt mắt ấy để đăng lại trên các fanpage.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ làm việc tại Công an TP.HCM nói: "Chúng tôi cảm thấy bức xúc bởi không được tôn trọng. Nếu những bên khác liên hệ, mong được sử dụng, chúng tôi sẽ sẵn sàng đồng ý. Đằng này bị tự ý đăng lại, cũng như "thay tên đổi họ", xóa dòng tác giả, chèn tên khác giống như họ là chủ nhân của infographic ấy".
Nhà văn Tống Phước Bảo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cho biết đã từng thấy những câu chữ, đoạn trích trong các tác phẩm truyện ngắn, tản văn... mà anh sáng tác xuất hiện trong các status (trạng thái) trên Facebook.
"Tôi vui vì thấy tác phẩm của mình được người khác đón nhận, thưởng thức. Tuy nhiên, cũng có chút buồn vì họ sử dụng mà quên để tên tác giả. Giá như phía dưới status là chú thích tên tác giả, thì người có tác phẩm được họ dùng sẽ vui hơn", nhà văn Tống Phước Bảo nói.
Người mẫu Q.Đ. từng bị dân mạng kịch liệt phản đối khi sử dụng nội dung trong quyển sách "Bạn mới là chủ nhân của cuộc đời mình" để đăng trên trang cá nhân Facebook mà không để nguồn. Sau đó, trước những chỉ trích của cộng đồng mạng, nam người mẫu này đã chỉnh sửa, viết thêm đoạn: "Sưu tầm". Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hành động của Q.Đ. khó có thể chấp nhận, bởi lẽ phải ghi thẳng tên tác giả là Lý Ái Linh, người dịch Tố Hinh chứ không nên để "sưu tầm".
Đạo văn nhưng không biết
N.Đ.L., sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thừa nhận đã nhiều lần sử dụng những câu nói hay, ý nghĩa, hình ảnh có thông điệp thú vị… để đăng trên Facebook nhưng không chú thích tác giả. L. nói: "Mình từng thấy nhiều người làm như vậy, nên cứ tưởng chuyện này là bình thường".
Đỗ Tố Linh (29 tuổi), làm việc tại 56 Yên Thế, Q.Tân Bình, TP.HCM, thừa nhận: "Quả thật từ trước đến nay, chẳng để ý việc phải để tên tác giả những câu nói, hình ảnh khi sử dụng tác phẩm, câu chữ của họ mỗi khi đăng trên mạng xã hội".
Theo bà Phạm Minh Phương, giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi), trong từ điển trực tuyến Merriam-Webster (Mỹ) có nêu rõ về hành vi đạo văn. Đó là sử dụng, biến những ý tưởng, lời nói của người khác thành của riêng mình. Hay sử dụng sản phẩm, tài liệu của người khác mà không ghi nguồn. Ngoài ra, còn có các hình thức đạo văn khác như: đưa ra thông tin không chính xác về nguồn trích dẫn, không đặt nội dung trích dẫn trong dấu ngoặc kép…
"Vì thế việc một số người có thói quen sử dụng những câu nói, bài viết, hình ảnh… của người khác mà không để thông tin tác giả được xem là đạo văn. Và đúng là có những người đã và đang đạo văn nhưng không hề hay biết", bà Phương nói.
Luật sư Nguyễn Văn Lúc, Văn phòng luật sư Thanh Thủy (tỉnh Khánh Hòa), cho rằng việc sử dụng hoặc trích dẫn tác phẩm nhưng "bỏ quên tác giả" khá phổ biến. Và những người có thói quen ấy dễ vi phạm luật Sở hữu trí tuệ cũng như Nghị định 131/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm…
"Nếu chủ nhân của những bài thơ, truyện ngắn, hình ảnh... làm căng, nhất là trong các vụ việc tranh chấp đến quyền lợi, chỉnh sửa thay đổi nội dung làm người đọc hiểu sai ý người viết, dẫn đến những phiền toái, thiệt hại cho uy tín tác giả... thì có thể bị kiện. Tùy mức độ của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà bị xử phạt hành chính hoặc biện pháp dân sự", luật sư Lúc nói.
Nhà văn Tống Phước Bảo hy vọng khi thấy câu nói hay, đoạn văn ý nghĩa, hình ảnh bắt mắt… và muốn sử dụng lại hay trích dẫn thì nên ghi thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
"Đó không chỉ là cách tôn trọng tác phẩm cũng như tác giả, mà còn để không vướng vào chuyện đạo văn", nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ.