Chị Nguyễn Nữ Hồng Hà (32 tuổi), là chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Gia Trí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Vốn yêu thích áo dài, nên khi vô tình lướt Facebook, thấy thông tin về cuộc thi "Duyên Dáng Áo Dài 2024" (như tên fanpage), chị Hà đã đăng ký tham gia.
Chị Hà kể: "Tôi thấy fanpage thông tin quy mô cuộc thi có đến 3.000 thí sinh trên cả nước. Ban giám khảo gồm các nhà thiết kế thời trang, nhà sáng lập thương hiệu thời trang, người mẫu nổi tiếng… nên tôi không cảnh giác. Tôi gửi 2 tấm ảnh để ứng tuyển".
"Sau đó, tôi nhận được tin nhắn đóng lệ phí 1,5 triệu đồng để làm lệ phí. Vài ngày sau, tôi tiếp tục nhận thông tin đã vào vòng loại, đóng thêm 5 triệu đồng. Khi đã chuyển tổng cộng 6,5 triệu đồng thì tôi bị chặn tài khoản Facebook. Lúc đó tôi mới sực tỉnh, hóa ra đã bị lừa", chị Hà cho hay.
Anh Nguyễn Phương Kiên (34 tuổi), ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cho biết đã bị lừa tổng cộng 3 triệu đồng vì từng đăng ký tham gia "Cuộc thi giọng ca vàng Bolero Việt Nam".
Anh Kiên kể bản thân mê nhạc bolero, nên khi thấy cuộc thi ấy đã vội vàng ứng tuyển. "Tôi đã nộp hồ sơ qua Zalo số 0979680123 và 1 ảnh cá nhân. Người tiếp nhận nói tôi đóng 500.000 đồng để làm áo lưu niệm. Tôi đồng ý. Sau đó, tôi được yêu cầu đóng 1 triệu đồng để làm số báo danh và nhận thư mời dự thi. Khi đã chuyển khoản, tôi tiếp tục được yêu cầu đóng 1,5 triệu đồng để ban tổ chức xe đưa đón từ Bến Tre đến TP.Cần Thơ thi. Nhưng khi chuyển khoản thì tài khoản Zalo ấy chặn tôi. Sau vài ngày, tôi thấy tài khoản Zalo ấy đã bị khóa".
Anh Kiên nói thêm: "Dù được quảng cáo "đây là cuộc thi có tuổi đời uy tín và lâu nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại". Tuy nhiên tôi đã bị lừa".
Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp các nạn nhân bị mất tiền bởi "chiêu lừa" núp bóng những cuộc thi. Có nạn nhân bị lừa vài triệu đồng. Nhưng cũng có người bị mất cả chục triệu đồng. Sau khi bị lừa họ mới thốt lên "giá như tôi tỉnh táo và cẩn thận hơn".
Né bằng cách nào?
Anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho biết có nhiều thành viên trên diễn đàn từng chia sẻ đã sụp "bẫy lừa" này (tức núp bóng các cuộc thi).
Theo anh Bảo, việc vội vàng đăng ký tham gia các cuộc thi trực tuyến do nhiều fanpage quảng cáo không những bị lừa tiền mà còn có thể lộ thông tin cá nhân. Bởi lẽ hầu hết các cuộc thi ảo (tức không có thật, tạo ra để lừa đảo) đều yêu cầu người đăng ký phải cung cấp giấy tờ tùy thân, hình ảnh cá nhân…
"Để né bẫy lừa này, hãy trang bị cho bản thân năng lực cảnh giác. Nghĩa là khi muốn tham gia bất kỳ cuộc thi nào đó, có thể kiểm tra trên nhiều kênh khác nhau. Đa số cuộc thi chính thống đều được đăng tải thể lệ rõ ràng, thậm chí đăng trên báo chí hay các website của đơn vị tổ chức một cách chỉn chu", anh Bảo nói.
Anh Bảo phân tích thêm: "Các fanpage được kẻ lừa tạo ra rồi chạy quảng cáo để tiếp cận "con mồi". Kẻ lừa chạy quảng cáo cho cả lượt tương tác các bài đăng. Để người xem tưởng là thật. Nếu có người liên hệ, kẻ lừa lập tức dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền và chiếm đoạt".
Chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Thiên Hoàng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: "Nhiều fanpage mạo danh cả những đơn vị uy tín để mở các cuộc thi ảo. Họ lấy hình ảnh, video của cuộc thi khác nhằm quảng cáo cho cuộc thi không có thật theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Kẻ lừa dường như không bỏ bất kỳ lĩnh vực nào, tổ chức đủ các thể loại cuộc thi. Từ người mẫu ảnh, ca hát, đánh đàn cho đến các cuộc thi dành cho trẻ em... Thế nên người dùng mạng xã hội cần hết sức thận trọng trước những cuộc thi được tổ chức trên các fanpage. Ngoài ra, cũng đừng bao giờ mờ mắt bởi những giải thưởng lớn. Vì nếu mất cảnh giác, chắc chắn sẽ bị lừa tiền".