Anh T. kể lại, một lần thấy bài đăng của thành viên có nội dung mong có con nhưng bị vô sinh, rất cần người hiến tặng tinh trùng.
Cũng trong bài đăng có hy vọng người hiến trong độ tuổi 25 – 40 tuổi, khỏe mạnh, không mắc các bệnh di truyền. "Tôi thấy mình phù hợp những điều đó nên nhắn tin cho họ", anh T. kể. Anh T. không ngờ rằng từ tin nhắn ngỏ lời hiến tặng tinh trùng đã khiến anh sập bẫy lừa.
"Có lẽ tôi bị thao túng tâm lý. Sau rất nhiều tin nhắn trao đổi suốt vài ngày liên tiếp, cô ấy (người viết bài xin tinh trùng – PV) nói rất hữu duyên mới gặp nhau, và kể đã lập gia đình 6 năm nhưng không có con. Chính vì thế, cô ấy bị gia đình chồng ruồng bỏ. Chồng nhiều lần ngoại tình và đánh đập cô ấy vô cớ… Tôi mủi lòng. Sau đó hẹn ngày 3.6 sẽ cùng đến một bệnh viện ở Q.1, TP.HCM để làm thủ tục hiến tặng", anh T. kể tiếp.
Tuy nhiên, vào ngày 1.6, anh T. nhận được tin nhắn của cô gái ấy với yêu cầu xem hình ảnh cũng như mong muốn được biết sơ lược về quê quán, nơi làm việc. Không ngần ngại và chẳng nghi ngờ, anh T. cung cấp tất cả thông tin, hình ảnh.
"Cô ấy tiếp tục nói tôi nếu đến ngân hàng tinh trùng của bệnh viện thì thủ tục rườm rà, nên thay đổi ý định, chọn cách "hiến tặng trực tiếp" tại một khách sạn đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Cô ấy khiến tôi ngớ người khi đưa ra lời đề nghị "video call" trên Zalo. Chẳng hiểu sao tôi đồng ý và dính bẫy", nam thanh niên nhớ lại.
Anh T. cho biết trong cuộc "video call", đã không ngờ bị người xin hiến tặng tinh trùng quay lại tất cả những hình ảnh nhạy cảm. Đây chính là lý do khiến anh bị khống chế, buộc phải chuyển tiền. "Từ ngày 1 đến 3.6, tôi đã phải chuyển tổng cộng 27 triệu đồng cho tài khoản của một ngân hàng thương mại cổ phần, chủ tài khoản tên L.T.T.M. Trong đó, hơn một nửa số tiền phải mượn bạn bè", anh T. cho hay.
Tại sao lại thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền và vì sao không trình báo cơ quan chức năng? Anh T. cho biết rất lo sợ nếu những hình ảnh nhạy cảm bị tung lên mạng, các hội nhóm trao đổi video 18+. Ngoài ra, nam thanh niên này cũng sợ "bẽ" mặt với người quen, cảm thấy ngại ngần nếu báo sự việc cho công an.
Sau khi "tỉnh người" vì bị lừa, mất số tiền hơn 3 tháng lương, anh T. xóa hẳn Zalo. Anh T. dùng tài khoản ẩn danh để chia sẻ vụ việc lên Facebook nhằm cảnh tỉnh người khác kẻo trở thành nạn nhân của chiêu lừa xoay quanh việc hiến tặng tinh trùng.
Cũng trên các nhóm hiến tặng tinh trùng, một số thành viên cho biết cũng từng mất tiền, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Lý do, vì thấy các bài đăng xin tinh trùng đã liên hệ hiến tặng. Người đăng cho biết làm trung gian, hứa hẹn sẽ trả một khoản phí lớn cho người hiến. Tuy nhiên, kèm theo yêu cầu người hiến phải chuyển khoản tiền để làm thủ tục hiến tặng, chi phí khám sức khỏe… và cam kết sẽ trả lại số tiền này. Và sau khi chuyển khoản, kẻ lừa đã cao chạy xa bay khiến nhiều người có ý định hiến tặng tinh trùng ngẩn ngơ vì mất tiền.
Theo bác sĩ Hoàng Anh Quân, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, TP.HCM, những câu chuyện kể trên là bài học cảnh giác với nam giới. Nếu muốn hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn, gặp khó khăn trong việc sinh con, có thể làm thủ tục hiến tặng ở một số ngân hàng tinh trùng lớn, là những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống nghiệm. Tuyệt đối đừng tin vào những lời "hiến tặng trực tiếp" hoặc nghe lời của người trung gian kẻo bị lừa mất tiền.