Năm 2016, một cô gái 18 tuổi ở Carinthia, miền nam nước Áo, đã kiện cha mẹ vì đăng hình riêng tư của mình thời thơ ấu lên Facebook.
Đơn kiện ghi rõ trong vòng 7 năm (từ năm 2009), cha mẹ đã đăng hơn 500 tấm hình lên mạng, trong đó có nhiều tấm ảnh riêng tư của cô. Việc họ đăng những tấm hình này lên mà không có sự cho phép của con gái đã khiến cuộc sống cô "khổ sở".
"Họ không quan tâm đó là hình gì - hình tôi ngồi đi vệ sinh hoặc nằm trần truồng trong cũi, mỗi giai đoạn trong đời tôi đều bị họ chụp ảnh sau đó đăng lên cho mọi người xem", cô nói với The Local.
Giống như cô gái trên, nhiều người trẻ khi lớn lên cũng phải "vật lộn" với những thứ không mấy tự hào mà cha mẹ họ vô tư đăng lên mạng. Một người trưởng thành khoảng 30 tuổi hiện nay có thể có đến 14 - 15 năm quá khứ "online", bắt đầu từ hình ảnh siêu âm được phụ huynh đăng lên trang cá nhân.
Hãy nghĩ xem, tâm lý của cô con gái mới lớn hẳn chẳng vui vẻ gì khi bị mẹ đăng bức ảnh trong bộ quần áo xộc xệch, gương mặt đầy mụn đang ngồi ngẩn ngơ khi mới thức dậy.
Nếu bạn là một anh chàng ở tuổi 20, sẽ thế nào khi cô gái bạn thầm "crush" lục lại được bức ảnh "cởi truồng tắm chậu" khi mới 3 tuổi được cha mẹ chia sẻ từ rất lâu?
Nhiều người trẻ khi trưởng thành phải "vật lộn" với nỗi khổ khi cha mẹ tự do đăng ảnh họ khi còn bé. Ảnh: familycircle.com.
Với nhiều người, đăng ảnh con trẻ lên mạng chỉ như một điều hết sức bình thường, chẳng có gì đáng tranh luận. Bởi việc chia sẻ từng khoảnh khắc của trẻ từ khi con “thành hình” trong bụng đến lúc con bập bẹ, tập đi từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của số đông các bậc cha mẹ, dù ở đâu đi nữa.
Nhưng con cái cũng có quyền riêng tư, được lựa chọn những thứ về bản thân mà họ muốn công khai lên mạng hoặc giữ kín cho riêng mình.
Và nếu nghĩ đến những nguy hiểm tiềm ẩn đứa con nhỏ của mình có thể gặp phải như bị bắt cóc, bị kẻ xấu xâm hại nhờ vào loạt ảnh, thông tin được họ đăng đều đều, chi tiết lên trang cá nhân, chắc hẳn phụ huynh sẽ phải nghĩ kỹ hơn mỗi lần muốn "up" một thứ gì đó về con.
Con của tôi, tôi có quyền?
Nếu bạn cho rằng mình hoàn toàn có quyền đăng bất kỳ điều gì về con của mình lên mạng thì nên xem xét lại.
Từ ngày 1/6/2017, Luật trẻ em của Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Năm 2018, Luật riêng tư của Pháp gây chú ý lớn khi cho phép những đứa con khi trưởng thành có thể kiện cha mẹ vì từng đăng ảnh khi bé của họ lên mạng xã hội không có sự đồng ý của con. Tội này có thể thể bị phạt tiền hoặc phạt tù nặng.
Năm 2016, cảnh sát Liên bang Bỉ đề nghị phụ huynh ngừng chia sẻ ảnh của con họ lên mạng, để bảo vệ quyền riêng tư của con cái họ để tránh các tội ác liên quan đến trẻ em.
Cha mẹ tự do đăng ảnh, thông tin của con trẻ lên mạng xã hội được coi là “vấn nạn” trong thời đại 4.0. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới thường xuyên cảnh báo phụ huynh về những tiêu cực tiềm ẩn khi đăng ảnh con trẻ lên mạng xã hội.
Mối lo ngại được đặt ra là hành động này của cha mẹ có thể xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em. Những hình ảnh này nếu bị lợi dụng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị ấu dâm, gây ra nhiều hậu quả nếu kẻ xấu khai thác dữ liệu và nhận dạng khuôn mặt.
Trong một cuộc khảo sát về trẻ em ở Anh trong độ tuổi từ 12 đến 16, 70% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy cha mẹ không tôn trọng quyền riêng tư trực tuyến của họ.
Điều này nghiêm trọng đến nỗi từ nhiều năm trước người ta đã có những thuật ngữ riêng về nó.
“Sharenting” - kết hợp giữa "chia sẻ" và "nuôi dạy con cái" - là từ được đặt ra để mô tả việc cha mẹ lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ nội dung về con cái họ. Khoảng những năm 2013 - 2014, từ này được sử dụng thường xuyên hơn trong các phương tiện truyền thông chính thống bằng tiếng Anh.
Đăng ảnh con trẻ của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội ở mức nào là ổn? Khi nào hành động đó bị xem là xâm phạm quyền riêng tư của chúng? Những câu hỏi này trở thành vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian gần đây.
Bài đăng với nội dung “Bạn có nên chia sẻ hình ảnh này của con trên Moments không?” nhận được tới 140 triệu lượt xem trên Weibo.
Trong tiếng Trung, thuật ngữ cho hiện tượng này này là “shàiwá” - kết hợp 2 từ “phơi bày” và “em bé”. Thậm chí, truyền thông nước này còn có từ để mô tả những bậc cha mẹ chia sẻ hình ảnh con cái nhiều quá mức: "Shàiwá Kuángmó" - nghĩa là thứ gì đó như “quỷ dữ điên rồ”.
Năm 2017, Blum-Ross và Livingstone đã công bố một nghiên cứu, nêu bật những lo ngại về vấn đề này.
Các quan điểm đưa ra nhấn mạnh: Việc cha mẹ đăng ảnh con cái của họ, cùng với rất nhiều thông tin cá nhân, có thể vô tình để lộ cho những kẻ buôn bán trẻ em. Những kẻ đó sẽ dễ dàng tìm hiểu thông qua mạng xã hội và biết chính xác nơi một đứa trẻ đi học, thời gian khi cha mẹ đưa chúng đến công viên để chơi. Đó là những nguy hiểm tiềm ẩn mà không ai kiểm soát hết được.
Chuyên gia giáo dục Trung Quốc - Tang Yinghong - đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này trong một báo cáo tin tức trên Pear Video: “Thường xuyên đăng ảnh con lên mạng xã hội là dấu hiệu cho thấy các bậc cha mẹ cảm thấy cuộc sống của họ thiếu ý nghĩa, họ mong rằng hình ảnh đẹp đẽ của con cái sẽ bù đắp điều này. Đăng bài về cuộc sống, các hoạt động của con mang đến cho phụ huynh cảm giác mình có giá trị, địa vị và bản sắc nhất định”.
Một bài báo trên Chinese Baby Sina viết: “Cha mẹ phải bảo vệ sự riêng tư của con cái họ. Trước khi đăng một bức ảnh của chúng lên mạng, hãy nghĩ về việc nó có thể ảnh hưởng đến chúng như thế nào”.
Song cuối cùng cuộc tranh luận về quyền riêng tư của trẻ em ở đất nước tỷ dân vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý.
Đối với nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc, việc đăng ảnh con cái họ lên mạng chỉ là một trò tiêu khiển vô tội.
Đối với các bậc cha mẹ, có rất nhiều lý do chia sẻ hình ảnh của con cái họ trên mạng. Những bức ảnh giúp ghi lại cuộc sống của họ và chia sẻ với bạn bè, người thân. Nhiều khi đơn giản bởi họ là thành tố của cộng đồng mạng - chia sẻ những bức ảnh này như một phần của lối sống chung.
Với một số người, đó như cách để thể hiện sự sáng tạo mà thông qua việc chia sẻ hình ảnh của con, họ đạt được lợi ích tài chính. Nó tương tự việc các blogger kiếm tiền khi kết hợp quảng cáo hoặc nội dung được tài trợ trên các kênh của họ.
“Tôi thường xuyên đăng ảnh của con tôi. Sự nghiệp của tôi đang tiến triển tốt và tôi hạnh phúc. Mục tiêu của tôi khi đăng những bức ảnh này là dựa vào WeChat Moments giữ chúng như một loại album ảnh kỷ niệm”, một người dùng Weibo nêu ý kiến.
Con cái có quyền riêng tư cần được tôn trọng
Ý thức về việc tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội còn khá mới mẻ với nhiều người.
Vấn đề này gần đây trở thành chủ đề gây tranh cãi Mỹ khi nữ diễn viên Gwyneth Paltrow đăng một bức ảnh của cô và con gái 14 tuổi - Apple Martin - chơi trượt tuyết lên trang cá nhân.
Apple sau đó trả lời dưới phần bình luận rằng: “Mẹ, chúng ta đã thảo luận về điều này rồi cơ mà. Mẹ không được đăng bất cứ điều gì nếu chưa hỏi ý kiến con”.
Câu chuyện cùng phản ứng gay gắt của cô bé đã gây ra các luồng ý kiến trái chiều về quyền riêng tư của trẻ em trên phương tiện truyền thông xã hội.
Nhiều phụ huynh dường như không nghĩ tới việc liệu con mình có muốn những bức ảnh đó của chúng được công khai trên mạng và nhận những lời bình phẩm. Với nhiều đứa trẻ, đó là chuyện thường, nhưng với một số khác, chỉ một bức ảnh trong quá khứ có thể dấy lên vấn đề tâm lý.
Ở Hà Lan, các nhà xã hội học Martje van Ankeren và Katusha Sol đã nêu lập luận trong một bài báo năm 2011 rằng việc cha mẹ đăng ảnh trẻ sơ sinh và con nhỏ lên mạng xã hội đang thực sự xâm phạm quyền riêng tư của chúng.
Các chuyên gia cảnh báo sự hiện diện của trẻ em trên phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng trong tương lai. Đăng ảnh con nhiều khi chỉ vì mấy lượt like (thích) nhưng bạn có lường trước liệu điều gì xảy ra với tất bởi những thứ bạn đăng lên?
Một bài báo năm 2017 của Anh cho biết, trung bình phụ huynh nước này chia sẻ gần 1.500 hình ảnh của con họ lên mạng trước khi chúng lên 5 tuổi.
Từ bước đi đầu tiên của em bé, các vấn đề sức khỏe của chúng, đến những bức ảnh, video hài hước của một đứa trẻ với thức ăn bị vấy bẩn khắp mặt - tất cả đều được đăng lên trên mạng.
Sẽ thế nào khi con bạn lớn lên, ứng tuyển vào một công ty đáng mơ ước, nhưng nhà tuyển dụng thông qua điều tra thông tin trực tuyến phát hiện ra rằng chúng có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi còn nhỏ?
Làm thế nào để những người trẻ cảm thấy tự tin với người yêu, người bạn mới quen khi biết những người đó đã xem tất cả những bức ảnh đáng xấu hổ hồi nhỏ cha mẹ đã "gắn thẻ" lại chẳng kịp nhớ ra để gỡ xuống?
Năm 2014, tòa án ở châu Âu đã công nhận quyền được quên lãng (right to be forgotten) của một cá nhân. Theo đó, một người, kể cả trẻ em, có quyền được xóa bỏ tất cả những dữ liệu về bản thân vốn đã từng được lưu trữ trên mạng.
Mỗi chúng ta đều có quyền chọn lựa thông tin họ muốn chia sẻ trên mạng. Nếu cha mẹ tự ý làm điều đó, con cái đã mất đi quyền ấy ngay trước khi chúng kịp nhận thức và phản đối.