Google và Facebook được cho là cũng góp sức không nhỏ để các kênh này phát triển.
Thiệt hại nghiêm trọng
Hầu như khi được hỏi với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nội dung truyền hình tại Việt Nam đều cho rằng, họ bị thiệt hại nghiêm trọng khi bỏ tiền ra mua bản quyền truyền hình, phim ảnh.
Đại diện BHD trước đó đã thẳng thắn nêu ra tình trạng vi phạm bản quyền ở các trang web phim lậu đang ở mức báo động. Những dịch vụ trả tiền lớn ở nước ngoài về Việt Nam đều không thành công. Trong khi các trang web lậu như Phimmoi.net lại tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Kênh phim lậu tiếp tục sống khỏe nhờ quảng cáo
CEO ClipTV, ông Phan Thanh Giản cũng khẳng định tương tự, chính những kênh phim lậu ngang nhiên vi phạm bản quyền khiến các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt là những nội dung nước ngoài, khi mà sự phối hợp xử lý của đơn vị sở hữu bản quyền, và đơn vị phân phối cùng cơ quan chức năng là chưa kịp thời và đồng bộ.
"Một bộ phim có thể mua để phát trên internet mất đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu, nhưng ngay lập tức vừa phát đã có hàng trăm trang phát lậu, thậm chí phát trước cả khi đơn vị bản quyền mua được", ông Giản nhấn mạnh về thực trạng hiện nay.
Cũng theo ông Giản, thực trạng hiện nay khi người dùng, đặc biệt là các người dùng trẻ với kỹ năng sử dụng internet trên thiết bị di động, không khó để họ có thể tìm kiếm một bộ phim xem miễn phí, và không có lý do gì để họ đăng ký và trả phí để xem một bộ phim trên dịch vụ có bản quyền.
Tuy nhiên, ông Giản cũng nhận định rằng, ở bất kỳ một quốc gia nào, trong thời kỳ đầu của ngành video/truyền hình trực tuyến đều xảy ra tình trạng này, như Trung Quốc, Mỹ. Tuy nhiên với sự quyết liệt của cơ quan thực thi pháp luật, xử lý hình sự cùng với dân trí của người sử dụng ngày một nâng cao, nên các nước này hầu như đã giải quyết được vấn nạn này.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, chính quyền, đặc biệt là Bộ TT&TT cũng đã quyết liệt xử lý, nên tình trạng nội dung lậu cũng một phần giảm đi, cùng với việc các công ty kinh doanh dịch vụ nội dung/ truyền hình trực tuyến cũng dần nâng cao được chất lượng dịch vụ, nội dung phong phú... điều đó cũng dần thay đổi được hành vi người dùng, đặc biệt là người dùng có tri thức, tôn trọng bản quyền.
"Tuy còn nhiều trang lậu, nhưng tôi tin rằng khoảng 2,3 năm tới, chúng ta cũng có thể xử lý được như các quốc gia khác. Các nội dung trong nước và đặc biệt là truyền hình thì việc xử lý đang tiến triển khá tốt với sự phối hợp của các bên. Ví dụ như các bạn có thể thấy, việc phát lậu một trận bóng đá ngoại hạng Anh giờ là rất khó. Tôi cũng hy vọng với các nội dung như phim cũng được như thế.", ông Giản lạc quan cho biết.
Google, Facebook cần có động thái ngăn chặn vi phạm
Như chúng tôi đã từng thông tin, hầu hết các trang web phim lậu lớn nhất ở Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng của Facebook để cất giấu và phát tán hàng trăm nghìn bộ phim vi phạm bản quyền, trong đó có những bộ phim chỉ mới ra rạp.
Business Insider cũng đăng tải thông tin và cho rằng, Facebook thực sự đang tồn tại vấn nạn rất lớn trong việc thúc đẩy vi phạm bản quyền truyền hình. Theo tờ báo này, các nhóm (Group) chuyên chia sẻ phim lậu thu hút hàng trăm ngàn thành viên trên nền tảng Facebook. Nhiều thành viên đăng tải công khai các video vi phạm mà không sợ bất cứ điều gì. Các video này sẽ được các kênh phim lậu dùng một công cụ có tên JW Player để tạo trình phát đẹp mắt và ẩn đi được giao diện Facebook với tên người đăng nhập và phát sóng, thu lợi rất nhiều tiền từ quảng cáo.
Kênh phim lậu lên top 1 tìm kiếm phim đang chiếu rạp
Đối với Google, không khó để tìm kiếm các tựa phim đang chiếu rạp được chiếu miễn phí trên các trang phim lậu như bộ phim "Siêu anh hùng Shazam-Shazam" đang được công chiếu tại các cụm rạp trong nước xuất hiện đầy rẫy trên các trang phim lậu. Khi gõ tìm kiếm phim, top đầu tiên thuộc về trang phim lậu lớn nhất Việt Nam hiện nay là phimmoi.net với bộ phim được quay lén. Trong video này chứa ít nhất 2 quảng cáo TVC đầu phim, chưa kể các banner quảng cáo phía trên, đem về khoảng lợi nhuận không hề nhỏ.
Theo ông Giản, để có thể ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền như hiện nay cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ từ các bên. Ông lấy ví dụ, có nhiều cách chúng ta có thể học được từ các nước họ đã thực thi, ví dụ như Trung Quốc: Họ đã quán triệt với các công ty làm search engine (baidu) để gỡ bỏ toàn bộ các link lậu, nếu chúng ta có thể làm được với Google, Facebook, Apple thì rất tốt.
"Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để block (khóa) các site lậu cũng là một cách hữu hiệu. Cùng với đó các đơn vị cung cấp chính quy, cần nâng cấp dịch vụ của mình lên, chăm sóc khách hàng cùng với chi phí hợp lý, tôi tin là có thể xử lý được vấn nạn này", ông Giản chia sẻ.
Đồng thời, một trách nhiệm không nhỏ trong việc để vi phạm bản quyền bùng phát thuộc về các nhãn hàng. Đại diện BHD thẳng thắn nêu ra, quảng cáo đang là nguồn nuôi chính để các trang web vi phạm bản quyền này tồn tại. Trong đó 72% quảng cáo nuôi các trang này lại đến từ các nhãn hàng lớn, còn lại 28% đến từ các quảng cáo độc hại, cờ bạc...
Theo ông Giản, hiện nay các nhà nhãn hàng thường không làm trực tiếp mà thông qua một agency để quảng cáo. Tuy nhiên các nhãn hàng vẫn chưa chặt chẽ nên việc các traffic đến từ các trang lậu vẫn rất nhiều. Có nhiều lý do nhưng vẫn chủ yếu là lợi nhuận. Điều này sẽ giúp các trang phim lậu vẫn tồn tại, vì thế thời gian trước đã có một vài công ty lớn ngừng hợp tác, tuy nhiên thời gian gần đây, đã bắt đầu xuất hiện trở lại.
Ông cho rằng, cần có một giải pháp tổng thể thì các bên đều phải quyết liệt, từ chính quyền, nhãn hàng, nền tảng search, các công ty sỡ hữu nội dung, các công ty phân phối nội dung và nhà mạng cùng với hành vi người dùng để ngăn chặn vi phạm bản quyền. Ông cũng đề xuất, chúng ta nâng hình thức xử phạt nghiêm hơn, có thể hình sự hóa các đơn vị phát nội dung lậu.
Hiện tại, trên các phim lậu, khảo sát vẫn còn thấy rất nhiều quảng cáo từ các nhãn hàng lớn trong nước, như hãng điện thoại Vivo, Realme, Soha game...
Theo Dantri