Chàng trai bán cơm theo kiểu "độc lạ" này tên là Trương Văn Vinh (25 tuổi, quê ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty về lĩnh vực sửa chữa máy tính và bán đồ công nghệ ở TP.HCM. Mỗi ngày anh vừa đi làm, vừa tự nấu cơm cho mình, và nhận nấu cho khách.
Mặc dù mỗi ngày có cả trăm người nhắn tin, bình luận trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của Vinh để đặt cơm, nhưng Vinh chỉ chọn đúng 5 người, bán 5 đơn/ngày. Lạ nữa là khách đặt cơm nhưng chẳng hề hay biết sẽ được Vinh giao cho suất cơm với những món ăn gì. Sáng Vinh giao cơm đến tận nơi, chiều Vinh quay xe trở lại đến đúng địa điểm ấy để nhận lại hộp đựng cơm. Khách nào lỡ chậm nhận cơm là "ông chủ" gen Z này sẽ… dọa "cắt cơm".
Những hình ảnh các suất cơm với các món mà Vinh nấu hàng ngày, sau khi đã giao cho khách, được đăng tải lên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt yêu thích. Cũng có khách, dù chưa nhận được suất cơm nào, nhưng vẫn sẵn sàng chuyển tiền thanh toán cả 10 suất cơm cho Vinh để đặt trước.
Vinh cho biết vào đầu năm 2024 bản thân đã bị vấn đề về tâm lý khi gặp những chuyện không vui trong cuộc sống. Dù rằng đã tìm nhiều cách để thoát khỏi tiêu cực, chẳng hạn như tập thể dục thể thao… nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Sau khi chuyển chỗ trọ đến căn phòng mới ở đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp (TP.HCM), Vinh thấy có căn bếp. "Tôi tự nghĩ lại, suốt 8 năm sinh sống, làm việc ở TP.HCM, tôi toàn phải ăn ngoài hàng quán, chứ không được ăn cơm mẹ nấu. Thế là tôi muốn tái hiện những món ăn mẹ nấu tại căn bếp ở phòng trọ. Đó cũng là cách để tôi tạo niềm vui, sự hứng khởi cho cuộc sống của mình", Vinh kể.
"Thời gian tôi tập thể dục thể thao chỉ kéo dài được khoảng 7 – 10 ngày. Tôi sợ việc nấu ăn cũng... đứt gánh giữa chừng. Thế nên tôi nghĩ hay là nấu ăn cho người khác. Tôi kể chuyện này cho một đồng nghiệp và được hưởng ứng. Bạn ấy nói "nếu Vinh nấu thì mình sẽ là người khách hàng ủng hộ đầu tiên". Và từ đó, tôi bắt đầu làm", Vinh nhớ lại.
Đơn hàng đầu tiên ngày 21.10 (tức cách nay tròn đúng 1 tháng) của người đồng nghiệp trở thành cột mốc đáng nhớ. Sau khi đăng ảnh lên mạng xã hội, bạn bè của Vinh hưởng ứng nên đặt thêm. Những đơn hàng cứ thế đến liên tục. Vinh vui và bất ngờ.
"Nói thật là tôi không quan trọng việc tìm kiếm lợi nhuận trong việc bán cơm này. Vì mỗi suất cơm chỉ 35.000 đồng. Có những ngày tôi chỉ lời được vài chục ngàn đồng. Nhưng tôi thấy ý nghĩa và vui lắm vì tôi đã tạo ra được động lực sống, năng lượng tích cực cho bản thân", Vinh nói.
Chỉ bán cho khách mà bản thân cảm thấy phù hợp
Khi được hỏi một ngày của Vinh bắt đầu như thế nào? Anh chàng nhân viên văn phòng kiêm "ông chủ" bán cơm này kể: "Sáng 5 giờ dậy, tôi cứ lục đục nấu ăn. Đến 7 giờ sẽ bắt đầu bỏ vào hộp cơm giữ nhiệt. 7 giờ 30 phút là bắt đầu khởi hành. Tôi thường nhận đơn đặt cơm của khách hàng trên tuyến đường di chuyển từ phòng trọ ở đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp (TP.HCM) đến công ty ở đường Võ Văn Kiệt, Q.1 (TP.HCM). Tôi luôn canh thời gian để đảm bảo không trễ giờ làm ở công ty lúc 8 giờ 30 phút".
"Tới chiều, sau giờ làm, tôi đến từng địa điểm giao cơm lúc sáng để thu lại hộp đựng. Trên đường về, tôi sẽ nghĩ ngày mai nấu món gì. Hoặc chạy xe mà nghe những mùi thơm sực nức của món ăn nào đó là tôi lên ý tưởng. Sau đó dừng xe xem công thức nấu. Tôi ghé chợ để mua nguyên vật liệu. Buổi tối, tôi thường sơ chế, rồi nấu trước những món đơn giản. Sáng dậy nấu tiếp. Mỗi ngày sẽ như vậy", Vinh kể thêm.
Về chuyện… chọn khách hàng, Vinh cho hay: "Có lẽ là… tùy duyên. Vì mỗi ngày có nhiều người nhắn tin, bình luận trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của tôi. Tôi sẽ liên hệ, kết nối để nói chuyện. Tự cảm thấy phù hợp, cảm thấy họ sẽ thích ăn cơm tôi nấu thì tôi đồng ý để hôm sau giao cơm. Tôi cũng nói với khách là mỗi bữa ăn của họ sẽ là một bất ngờ. Nói chung tôi cũng… kén khách".
"Lỡ bạn giao món ăn không hợp khẩu vị, khách không thể ăn được thì sao?", . Vinh trả lời: "Khách vẫn vui vẻ nhận cơm và ăn. Nhưng tôi sẽ lưu ý để hôm sau nếu vị khách ấy đặt nữa thì né những món họ không ăn được". Vinh cũng cho hay: "Tỷ lệ khách tiếp tục đặt cơm rất nhiều. Có người đặt liên tục vài ngày, cả tuần. Thậm chí có người chuyển khoản thanh toán trước dù chưa được ăn cơm do tôi nấu".
"Ông chủ" này cũng kể, sở dĩ mỗi ngày chỉ nấu 6 suất cơm, bán 5 suất cơm và 1 phần cho bản thân, vì không đủ thời gian để nấu nhiều suất hơn. Thế nhưng cũng có nhiều hôm đi chợ mua nguyên liệu không đủ để nấu được 6 suất cơm, thế là chỉ nấu 5 suất cơm để bán cho khách. "Còn tôi thì đi ăn ở ngoài quán", Vinh cười kể.
Vinh cũng chia sẻ trước sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo dân mạng nên qua tuần sau sẽ tăng lên 8 – 10 đơn/ngày. "Những ngày vừa qua, nhiều khách ở những địa chỉ không theo tuyến đường tôi di chuyển từ phòng trọ đến công ty, nhưng tôi cũng nhận vì thấy họ quan tâm, yêu thích. Khi đó, tôi sẽ đặt xe giao cơm cho khách", Vinh nói.
"Tôi từng đặt cơm do Vinh nấu. Rất ngon. Bây giờ thấy nhiều người bình luận đặt cơm mà chẳng thấy Vinh bình luận phản hồi thì tôi cảm thấy tôi may mắn. Tôi cũng thấy anh chàng này bán cơm kiểu "độc lạ" thật sự", chị Trần Tú Anh (30 tuổi), làm việc ở 137 Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh (TP.HCM).
"Hôm tôi nhận cơm từ Vinh, thấy bất ngờ. Cái cảm giác không biết sẽ được ăn món gì rất thú vị. Khi mở hộp cơm ra với đủ món, có cả canh, đồ luộc, đồ xào, có cả trái cây tráng miệng... thấy rất hấp dẫn. Cảm ơn bạn ấy vì bữa ăn trưa rất ngon", Nguyễn Toàn (25 tuổi), làm việc ở hẻm số 5 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 (TP.HCM)
"Tôi liên tục bình luận trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của Vinh nhưng chẳng được phản hồi. Không biết đến khi nào mới được ăn cơm do cậu ta nấu", Lê Duy Anh (28 tuổi), làm việc ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3 (TP.HCM).